Thứ Năm, Tháng Năm 9, 2024
Home Blog Page 3

Gen Z dưới góc nhìn của một người thầy và đàn anh trong công việc

0

Là người vừa tham gia vào quá trình đào tạo và làm việc cùng các em tại doanh nghiệp của mình, tôi thấy Gen Z là một thế hệ đáng quý hơn là đáng trách. Vì trong thời đại ngày nay, chúng ta – những người trưởng thành – đang gán cho các em quá nhiều nhãn mác tiêu cực.

Sau 15 năm đi làm, vận hành doanh nghiệp riêng và gần 10 năm tham gia đào tạo các thế hệ sinh viên kế tiếp nhau, tôi có một góc nhìn tương đối khác so với những thầy cô hay chủ doanh nghiệp khác. Là người vừa tham gia vào quá trình đào tạo và làm việc cùng các em tại doanh nghiệp của mình, tôi thấy Gen Z là một thế hệ đáng quý hơn là đáng trách. Vì trong thời đại ngày nay, chúng ta – những người trưởng thành – đang gán cho các em quá nhiều nhãn mác tiêu cực.

Thế hệ Gen Z thường gắn liền với những tính từ như cái tôi quá cao, không có khả năng tập trung, thiếu gắn kết, thiếu định hướng và thiếu kiên nhẫn. Tuy nhiên, tôi nhận thấy thực sự chẳng có sự khác biệt thế hệ nào ở đây cả, đó chỉ là những tiến hoá theo quy luật của thời gian.

Theo tôi, bản chất con người không bao giờ thay đổi, chỉ có thời đại là thay đổi. Do đó, chúng ta chỉ là những sản phẩm của thời đại. Con người thì đang ở trong vòng xoáy liên tục của thế hệ trước thì tạo ra thời đại, và thời đại sau lại góp phần tạo ra thế hệ tiếp theo. Thế nên, khi khen ngợi hoặc than phiền về thế hệ tiếp theo, điều đó có gì khác với việc chúng ta đang tự khen khợi hoặc trách móc chính mình? Nếu vậy thì việc đó có ý nghĩa gì không? Nếu chỉ dừng lại ở việc quan sát và phàn nàn, thay vì đi sâu gốc rễ vấn đề, liệu có gì tốt hơn không?

Thế nên, với bài viết này, tôi muốn bắt đầu giải thích về những định kiến và tính xác thực đối với các bạn Gen Z. Bài viết này phần lớn là quan sát cá nhân của tôi, do vậy tôi rất hy vọng có thể nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp để nội dung được hoàn thiện hơn.

3 định kiến phổ biến về Gen Z

Bây giờ, hãy cùng bắt đầu với những định kiến mà Gen Z thường gặp phải.

#1: Gen Z là những đứa trẻ có cái tôi lớn

Tôi không phủ nhận sự thật là các bạn Gen Z ngày nay ít tuân theo mệnh lệnh và những truyền thống hơn những thế hệ trước. Điều này có phần đúng khi gán ghép các em với giả định của những cái tôi to. Tuy nhiên, tôi muốn đặt ra câu hỏi vì sao những suy nghĩ này lại hình thành trong các em?

So với thế hệ ông bà của Gen Z (tức là bố mẹ chúng ta) thì hiện nay chúng ta, những người phụ huynh hay thầy cô của Gen Z, cũng đã cởi mở hơn, có chính kiến hơn và cũng cái tôi lớn hơn so với thế hệ bố mẹ? Về khía cạnh tự nhiên, hệ quả này là tất yếu. Về khía cạnh xã hội, trong những năm gần đây, thông điệp “Hãy tin vào chính mình” ngày càng phổ biến với giới trẻ, dù chưa được truyền tải một cách đúng đắn và phù hợp. Chẳng phải chúng ta vẫn thường nói điều này với chính mình, với nhân viên và những người trẻ? Vậy thì vì sao chúng ta lại phàn nàn khi gặp phải rào cản này từ những bạn Gen Z? Chẳng phải Gen Z cũng đang “tuân theo” những chỉ dạy của thế hệ đi trước về việc xem trọng cái tôi hay sao?

Về khía cạnh kinh tế, tôi không nói khởi nghiệp là xấu, vấn đề là có nhiều bài học trong khởi nghiệp không thể áp dụng phổ quát trong kinh tế. Thế nhưng, khởi nghiệp lại được rao giảng và ca tụng khắp mọi nơi nên không tránh khỏi việc hình thành nên những nhận định sai lầm.

  • “Khởi nghiệp là con đường duy nhất để thành công.”
  • “Muốn giàu có thì con đường duy nhất là tự kinh doanh.”
  • “Hãy tự tin đi trên con đường của mình, dù cho cả thế giới có chống lại bạn.”

Trên thực tế, tôi thấy khởi nghiệp thất bại nhiều hơn là thành công. Chỉ là theo quy luật xác suất thì sau rất nhiều thất bại cũng sẽ có vài doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Không hẳn bởi vì họ giỏi mà một phần là do xác suất may mắn. Việc tuyên truyền khởi nghiệp như mô hình kinh tế mới đã vô tình góp phần “thổi phồng” cái tôi của thế hệ trẻ.

Với góc nhìn này, tôi vẫn thấy các em là nạn nhân nhiều hơn là nguyên cớ.

#2: Gen Z không có mục tiêu dài hạn và thiếu khả năng tập trung

Ngày nay, với sự xuất hiện của Internet, phạm vi thông tin mà Gen Z có thể tiếp cận gần như là vô tận. Điều này dẫn đến một điều hiển nhiên là khi đứng trước một danh sách thực đơn dài với quá nhiều lựa chọn, ai cũng sẽ bối rối vì không biết nên chọn cái gì. Do hiểu được tâm lý này, các hãng nước uống như Highlands đã tạo ra một thực đơn đơn giản, nhằm giúp khách hàng dễ ra quyết định và tối ưu thời gian mua hàng.

Thế nên, khi đứng trước quá nhiều lựa chọn, việc con người khó đặt ra mục tiêu dài hạn và sự tập trung bị hạn chế là điều tất yếu.

#3: Gen Z thiếu kỹ năng xã hội và khả năng giao tiếp

Trước tiên, tôi muốn nói rằng thời gian trong một ngày của mỗi người là như nhau và được phân chia đồng đều vào các công việc thường nhật như ăn ngủ, học hành, làm việc, và đương nhiên là có cả giao tiếp. Do vậy, tôi tin rằng mỗi người đều dành ra một quãng thời gian tương đương với nhau để giao tiếp. Vậy thì tại sao chúng ta lại nghĩ là Gen Z giao tiếp kém với so với những thế hệ trước? Câu trả lời của tôi đó là do độ lệch về phương thức giao tiếp, chứ không phải khả năng giao tiếp.

Trước kia, do không có nhiều công cụ trực tuyến nên chúng ta – những thế hệ phụ mẫu và thầy cô của các em – sẽ dành nhiều thời gian để giao tiếp với nhau nhiều hơn. Do vậy, kỹ năng giao tiếp trực tiếp của thế hệ chúng ta có phần nhỉnh hơn so với Gen Z. Đổi lại, các em là người đi đầu trong việc “sáng tạo” ra những phương thức giao tiếp hiệu quả trên mạng, đồng thời biến nó thành lợi thế cạnh tranh. Theo tôi đoán, hẳn là trong chúng ta, những người thuộc Gen X và Gen Y, thỉnh thoảng cũng bối rối trước những tình huống giao tiếp trực tuyến chứ nhỉ?

Thế nên, kỹ năng giao tiếp của mỗi người là tương đồng, chỉ là phương tiện giao tiếp khác nhau. Điều đó giống như là có người thích nói hơn là viết, cũng như có những người làm thơ thì tốt hơn là văn xuôi. Hy vọng mọi người đồng ý với cách kiến giải này của tôi.

3 ưu điểm của các bạn Gen Z

Trước khi nói về thế mạnh, tôi muốn nhấn mạnh một đặc điểm về Gen Z, đó là sự phân cực mạnh mẽ. Đây cũng được coi là hệ quả tất yếu của sự phát triển đúng không? Tôi từng có cơ hội giúp đỡ những em học viên có học lực yếu. Các em ấy thường là những cá nhân dễ mất tập trung, chả mấy hứng thú với việc học và tư duy cũng không quá nhạy bén. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy những cá nhân xuất sắc trong cùng một thế hệ. Đó là những em học viên thông minh, có khả năng tiếp thu và tổng hợp kiến thức tốt, cũng như khả năng suy luận tuyệt vời. Bên cạnh đó, các em ấy cũng là những đứa trẻ kiên định và biết mình muốn gì.

Vì thế, tôi nhận ra rằng bối cảnh kinh tế – xã hội ngày xưa còn nhiều hạn chế nên đã sản sinh ra một thế hệ tương đối đồng đều với nhau, bởi vì chúng ta không có nhiều thông tin như các bạn Gen Z. Còn bây giờ, nếu các em đã muốn an nhàn thì các em có rất nhiều thứ để tận hưởng cuộc sống. Nếu bạn nào muốn tiến đến vị thế cao hơn trong xã hội, các em có đầy đủ nguồn lực, phương tiện và tài năng để đạt được thành công vang dội hơn các thế hệ trước.

Và dưới đây là những điểm sáng của các em mà tôi tâm đắc nhất.

#1: Khả năng học hỏi nhanh

Điều này là hiển nhiên, vì với lượng thông tin khổng lồ được tiêu thụ liên tục mỗi ngày, hiếm có thứ gì quá mới lạ đến mức khiến các bạn Gen Z hiếm khi phải học lại từ đầu. Các nội dung được truyền đạt ở trường học hoặc công ty có thể các em cũng đã biết được từ kênh nào đó. Điều này có lợi cho quá trình truy vấn và đẩy nhanh tốc độ tiếp nhận thông tin.

Dẫu vậy, mặt trái của việc học hỏi nhanh và tư duy nhanh là thiếu chiều sâu. Giống như việc chạy một chiếc xe chậm rãi trên đường, ta sẽ có thời gian ngắm nhìn quang cảnh hai bên đường và nhận ra mình có thể đã bỏ lỡ nhiều thứ, từ đó học thêm được những cái mới. Để phát huy hiệu quả được thế mạnh này của Gen Z, ngoài tư duy học hỏi nhanh, chúng ta hãy hướng dẫn cho các em Gen Z kỹ năng tư duy chậm khi cần thiết.

#2: Khả năng thích ứng tốt

Điều này là hệ quả của khả năng học hỏi nhanh. Tôi nhận ra điều này khi liên tục thay đổi các yêu cầu bài tập của mình trong thời gian ngắn và dường như các em sinh viên của tôi luôn tìm ra cách để đáp ứng. Đúng là khi chúng ta có thể học hỏi nhanh, không gì là không thể.

Mặt trải của việc thích ứng quá nhanh đó là thiếu gốc rễ. Những con người thích ứng quá nhanh thì như một con tắc kè hoa liên tục chuyền cành từ cây này sang cây khác và thay đổi màu da của mình tương ứng. Đến một ngày nọ, chính chú tắc kè cũng phải dừng lại và tự hỏi đâu mới là màu da thật của mình. Gen Z khi phát triển quá nhanh và thích ứng quá nhiều, các bạn ấy dễ quên đi những giá trị truyền thống cốt lõi. Thế hệ đi trước nên nhắc nhở các em về điều này.

#3: Khả năng sáng tạo

Điểm này thì chắc là được nhắc tới nhiều nhất khi đề cập về Gen Z. Với vai trò là một người giảng dạy bộ môn sáng tạo trong môi trường học thuật, tôi đồng ý với nhận định này.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, tôi rất bất ngờ về tính sáng tạo của các bạn sinh viên Gen Z. Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì sáng tạo là một quy trình mà nếu nắm bắt công thức ai cũng có thể sáng tạo, yếu tố quyết định nằm ở dữ liệu đầu vào. Đối với Gen Z, những người tiếp thu dữ liệu đầu vào mỗi ngày thông qua môi trường giao tiếp số, dĩ nhiên các em luôn là những chiếc bình tràn đầy sự sáng tạo. Chỉ cần giáo dục đúng cách, chúng ta sẽ khai thác được “mỏ vàng sáng tạo” này.

Tuy thế, mặt trái của tính sáng tạo là thiếu sự nhất quán. Tạo hoá cho chúng ta hai bán cầu não khác nhau để làm hai việc đối lập, đó là tư duy hợp lý và tư duy sáng tạo. Thế nhưng có rất ít cá nhân nào có thể phát triển đồng đều cả hai nhóm kỹ năng này. Bởi vì giống như việc chúng ta luôn có xu hướng thuận một tay, đó là bên trái hoặc bên phải. Thế nên, nếu muốn các bạn Gen Z phát huy hết khả năng sáng tạo của mình, hãy trang bị thêm cho các bạn ấy khả năng tư duy hợp lý, nhằm gắn kết các ý tưởng sáng tạo dường như không có mối liên quan gì đến nhau.

3 nguyên tắc cốt lõi cần thấu hiểu để làm việc với Gen Z tốt hơn

#1: Thay đổi kỳ vọng

Tôi có một niềm tin sắt đá là nếu tôi sinh ra trong thời đại của các bạn Gen Z, tôi cũng sẽ sở hữu những đặc tính như các bạn và ngược lại. Thế nên, tôi mới nói con người không thay đổi, chỉ có thời đại là thay đổi. Điều duy nhất tôi cần làm với cả hai vai trò là người thầy và người anh trong công việc, đó là đừng bám lấy quan điểm và kỳ vọng cá nhân, mà hãy để chúng được “trẻ đi” vài tuổi. Gen Z thì hãy làm điều ngược lại, hãy “già hoá” quan điểm của các bạn đi vài tuổi để hai thế hệ có thể tiến lại gần nhau hơn.

Giờ đây, tôi dần chấp nhận việc học sinh nào cũng sẽ nhìn chằm chằm vào laptop trong giờ giảng của mình. Tôi chẳng thể làm cấm các bạn làm điều đó. Hiện nay, đó là phương tiện học tập của các em. Điều duy nhất tôi có thể làm là cải thiện khả năng tương tác trong giờ giảng của mình để kéo sự chú ý của những đứa trẻ này ra khỏi màn hình laptop.

Tôi cũng không còn xem gắn bó là tiêu chí để đánh giá nhân sự trẻ. Đối với tôi bây giờ, gắn bó là hệ quả, còn thứ doanh nghiệp cần phải quản trị là khả năng phát triển bản thân. Nhân sự Gen Z ngày nay biết nhiều và có nhiều cơ hội hơn chúng ta, vậy nên những người chủ doanh nghiệp chẳng thể kỳ vọng các bạn gắn bó với “cái ao nhỏ” của mình, nếu các bạn chẳng nhìn thấy cơ hội học tập và phát triển gì thêm ở đấy. Thế nên, đừng quan tâm đến chuyện gắn bó nữa, hãy quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển doanh nghiệp. Khi cơ hội phát triển còn, khả năng gắn bó sẽ còn.

Những người chủ doanh nghiệp chẳng thể kỳ vọng Gen Z gắn bó với “cái ao nhỏ” của mình, nếu các bạn chẳng nhìn thấy cơ hội học tập và phát triển gì thêm ở đấy.

#2: Thay đổi cấu trúc doanh nghiệp

Tôi tự nhận thức bản thân có nhiều điểm giống với các bạn Gen Y hoặc cận Gen Z nhiều hơn. Tại công ty của tôi, các bạn Gen Y hiện nay đang giúp tôi đóng vai trò là nhóm quản lý tầm trung để kết nối Gen Z vào bộ máy vận hành của doanh nghiệp. Theo tôi, cấu trúc 3 lớp sẽ phù hợp và lành mạnh hơn để những thế hệ quá xa không phải tiếp xúc làm việc với Gen Z quá nhiều, nếu họ chưa có được tư duy cởi mở và hệ tư tưởng đúng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần xác định rõ vai trò của những vị trí công việc phù hợp. Qua rồi cái thời mọi nhân sự đều là nhân sự toàn thời gian và đều phải lên văn phòng đủ số ngày trong tuần. Mô hình doanh nghiệp mới là sự phối trộn của các loại hình nhân sự khác nhau, bao gồm toàn thời gian, bán thời gian, nhân sự theo dự án, nhân sự tự do, nhân sự thuê ngoài. Các bạn Gen Z, những bạn trẻ và yêu thích sự đa dạng, có vẻ thích hợp với những cách thức hợp tác mới mẻ sau này hơn.

Mô hình doanh nghiệp mới là sự phối trộn của các loại hình nhân sự khác nhau, bao gồm toàn thời gian, bán thời gian, nhân sự theo dự án, nhân sự tự do, nhân sự thuê ngoài.

#3: Tạo ra sân chơi

Tôi rất chú trọng vào việc hài hòa giữa sống, chơi và làm việc. Khái niệm cân bằng công việc (work-life balance) đối với tôi giờ đã là cũ rồi. Tôi nghĩ khái niệm tích hợp công việc (work-life integration) sẽ phù hợp hơn, đó là một môi trường “làm như chơi, mà chơi lại như làm”.

Bởi vì việc chơi sẽ tạo cảm hứng cho nhiều ý tưởng sáng tạo. Đều là mang vác nặng, nhưng trong phòng gym thì chúng ta gọi đó là thể thao, còn ngoài công trường thì lại là công việc. Sự khác nhau duy nhất ở đây là tâm thái của con người đối với việc đó. Khi nghĩ một việc gì đó là vui chơi, việc đó sẽ không bòn rút năng lượng của chúng ta. Còn khi chúng ta nghĩ đó là công việc thì mọi thứ bỗng trở nên rất mệt mỏi.

Khái niệm tích hợp công việc (work-life integration) sẽ phù hợp hơn với hiện tại, đó là một môi trường “làm như chơi, mà chơi lại như làm”.

Kết

Với cương vị giảng viên, tôi rất chú trọng vào việc học tập và phát triển con người. Tôi nghĩ việc này cũng là thiết yếu để có thể có được sự gắn bó lâu dài của thế hệ Gen Z. Hiển nhiên các bạn sẽ vẫn có những lựa chọn tốt hơn, nhưng trong khả năng có thể, tôi luôn muốn làm tốt nhất việc đào tạo thế hệ nắm giữ nền kinh tế tiếp theo của đất nước và tôi hi vọng nhiều doanh nghiệp cũng nghĩ như thế.

Cuối cùng, tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Gen Z sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều khía cạnh như xã hội, kinh tế, chính trị. Tuy vậy, những ảnh hưởng này là tích cực hay tiêu cực thì còn chưa rõ. Dù kết quả là như thế nào thì chúng ta – những thế hệ đi trước – cũng có nhiều phần trách nhiệm trong việc này, vì dù trực tiếp hay gián tiếp chúng ta cũng đang là trong những nhân tố góp phần định hình nên Gen Z.

Deep Dive #1: Bàn về chiến lược tái định vị của Viettel – “Thay đổi toàn diện là cách tiếp cận phù hợp”

0

Đầu tháng 1/2021, tập đoàn Viettel bất ngờ công bố bộ nhận diện thương hiệu mới. Nhiều khách hàng không khỏi lạ lẫm khi màu vàng và xanh chủ đạo đã gắn bó với họ trong suốt 16 năm được thay mới bằng màu đỏ rực lửa. Câu slogan huyền thoại “Hãy nói theo cách của bạn” cũng được giản lược để nhấn mạnh rằng Viettel không còn chỉ là viễn thông, mà họ đã chuyển mình trở thành nhà cung cấp dịch vụ số.

Brands Vietnam đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Hải Minh, Giám đốc Điều hành tại Wisdom Agency, để đào sâu vào trường hợp của Viettel dưới góc nhìn chuyên môn về tái định vị. Không chỉ nói đến sự thay đổi trong logo hay câu khẩu hiệu, chúng tôi sẽ bàn về những tầng chiến lược ẩn đằng sau đó, những điểm marketer có thể học hỏi thông qua sự kiện nổi bật này.

* Trước khi bàn thảo chi tiết về trường hợp của Viettel, anh hãy cho độc giả biết một thương hiệu cần thực hiện tái định vị trong những tình huống cụ thể nào?

Từ kinh nghiệm làm tư vấn, tôi nhận thấy có 2 trường hợp thường gặp nhất. Đầu tiên, doanh nghiệp cần thay đổi để phát triển mạnh hơn hoặc giải quyết một vài khó khăn nào đó. Có thể nói, khi đó thương hiệu buộc phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu trong một giai đoạn nhất định. Thứ hai, doanh nghiệp sau một quá trình phát triển khá dài, thường là khoảng 3-5 năm, sẽ có nhu cầu làm một điều gì đó mới. Và thay đổi hình ảnh là một cách khả thi. Giống như một bộ quần áo trở nên cũ kỹ và bạc màu qua năm tháng, chúng ta sẽ nên sắm một bộ áo mới, và doanh nghiệp cũng thế.

* Mọi người thường nhìn nhận vấn đề tái định vị đơn thuần chỉ là đổi logo, câu chuyện tại sao cần thay đổi đằng sau thì lại không mấy ai tỏ tường. Anh nhận xét như thế nào về những trường hợp đó?

Quan sát hoạt động tái định vị của các thương hiệu trên thế giới, tôi đúc kết được 2 phương pháp chính, bao gồm Thay đổi toàn diện hay có thể gọi là “Lột xác” (Disruptive) và “Cải tiến từ từ” (Continuous). Tuỳ vào mục tiêu, người quản lý thương hiệu sẽ chọn cách thay đổi phù hợp.

Giải thích rõ hơn về cách thức Disruptive, tôi muốn lấy minh hoạ từ ngành thức ăn nhanh. Khi nhiều phong trào kêu gọi hạn chế sử dụng sản phẩm làm từ thịt nở rộ, các chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh đã phải thay đổi định vị để trở thành những đơn vị cung cấp protein (protein provider). Nhờ đó, họ có thể bổ sung thêm các dòng thuần chay (plant-based) vào danh mục sản phẩm. Tình huống trên cho thấy, thương hiệu thay đổi để tham gia vào một sân chơi rộng hơn, với nhiều không gian để phát triển.

Còn về cách thức Continuous, Google là minh hoạ yêu thích của tôi, họ đã thay đổi thương hiệu trong suốt nhiều năm. Nhưng mắt thường khó lòng nhận thấy, bởi đó là sự thay đổi vi tế, đôi khi chỉ một vài pixel trên logo. Nhưng nếu nhìn lại sau một khoảng thời gian đủ dài, những thay đổi chắc chắn rõ rệt. Cách làm từ từ này giúp giữ thương hiệu luôn hiện đại và hợp thời.

Quay lại câu chuyện Viettel, công ty này đã chọn cách “lột xác” hoàn toàn. Cá nhân tôi quan sát, Viettel đã đi qua một con đường phát triển khá dài, họ đã vươn rất xa và cũng trở nên hiện đại hơn nhiều. Nhưng thành thật mà nói, logo trước đó cũng trở nên cũ kỹ. Nên cách thức thay đổi toàn diện để tạo dấu ấn về một Viettel mới, theo tôi, là một cách tiếp cận phù hợp.

* Đúng như anh nói, 16 năm là một khoảng thời gian đủ dài để thương hiệu thực hiện một cuộc cách mạng. Nhưng khách hàng của Viettel đều đã quen thuộc với những cửa hàng xanh lá và slogan ‘Hãy nói theo cách của bạn’, sự thay đổi toàn diện dễ khiến họ cảm thấy lạ lẫm. Anh nhận định thế nào về việc này?

Theo kinh nghiệm của tôi, nếu doanh nghiệp thực hiện khảo sát thị trường về việc thay đổi thương hiệu, phần lớn khách hàng sẽ trả lời là không nên. Và sau khi thương hiệu mới được tung ra, họ vẫn sẽ phản hồi kiểu “Tôi cứ thấy cái này bị làm sao ấy”. Vietcombank cũng từng thực hiện một thay đổi toàn diện. Bản thân người làm tư vấn, tôi cho rằng logo mới tốt hơn, thay cho 3 chữ VCB lồng vào nhau nhìn khá rối mắt trong logo cũ. Nhưng thời điểm ra mắt, khách hàng vẫn đưa ra nhiều phản hồi tiêu cực.

Lý giải cho vấn đề này, con người lúc nào cũng có sự hoài niệm. Chúng ta ưa thích sự an toàn của những điều đã cũ. Nên khi chúng bị thay thế, phản ứng vô thức của chúng ta là chống đối lại.

Viettel cũng vậy, phản ứng ban đầu của công chúng là màu xanh cũ phù hợp hơn với một công ty quân đội như Viettel. Họ không thấy màu đỏ có sự liên quan. Nhìn dưới góc nhìn chuyên môn, tôi lại thấy lựa chọn màu đỏ đơn sắc cho nhận diện mới vừa có điểm hay, nhưng cũng tiềm ẩn những chướng ngại nhất định.

Điểm hay là, có lẽ Viettel cũng nhận ra họ không thể dựa vào một hình ảnh liên quan đến quân đội để hướng đến tương lai nữa. Chuyển đổi sang màu đỏ chủ đạo, màu cờ nước Việt Nam, giúp họ đại diện cho một điều lớn lao và phù hợp để vươn xa hơn. Nhưng còn chướng ngại, hiện đã có nhiều thương hiệu chiếm lĩnh tâm trí công chúng với màu đỏ đặc trưng của họ, như Coca-Cola hay JUNO. Khi nhắc đến màu đỏ, Viettel hẳn nhiên không phải thương hiệu đầu tiên được nhớ đến. Họ sẽ cần nhiều nỗ lực để khiến khách hàng quen thuộc với màu sắc mới.

Sự trưởng thành của Viettel qua từng giai đoạn

* Tạm gác vấn đề phù hợp sang bên, anh nghĩ sao nếu Viettel có một giai đoạn chuyển đổi trung gian khoảng 2-3 năm để liên kết màu xanh lá cây cũ với màu đỏ, rồi mới dùng hoàn toàn màu đỏ ở giai đoạn sau?

Tôi cho rằng việc chuyển đổi từ từ không phải lựa chọn tối ưu cho Viettel. Khác với các công ty hoàn toàn vận hành trên nền tảng số có thể nhanh chóng thay đổi đồng bộ mọi thứ, Viettel có nhiều khó khăn riêng. Toàn bộ hệ thống bảng biển và cửa hàng nếu muốn thay đổi đồng bộ sẽ ngốn một lượng chi phí rất lớn, chưa kể là mất thời gian.

Câu chuyện thay đổi nhận diện của tập đoàn thép Hoà Phát là một minh chứng. Theo tôi nhớ, họ đặt ra thời hạn 6 tháng để chuyển đổi đồng nhất toàn bộ hệ thống và đại lý trên toàn quốc, nhưng thời gian triển khai thật mất ròng rã hơn 1 năm.

* Câu slogan “Hãy nói theo cách của bạn” cũng được giản lược thành “Theo cách của bạn”. Một sự thay đổi táo bạo, dường như “Viettel” đã trở thành một động từ mới thay cho từ “Nói” trong câu khẩu hiệu cũ. Liệu đây có phải cách diễn đạt bằng ngôn từ hiệu quả cho định vị mới của họ?

Câu slogan mới “Theo cách của bạn” có điểm tốt là giữ được hồn cốt của Viettel, khi chỉ giản lược từ câu khẩu hiệu cũ. Đồng thời, nó truyền tải một thông điệp ngầm hay một lời hứa thương hiệu rằng Viettel sẽ làm mọi thứ để cuộc sống diễn ra như cách khách hàng mong muốn. Qua cách diễn đạt này, tôi thấy có sự liên kết nhất định giữa slogan với những dự định tương lai mà họ đã chia sẻ, như xây dựng nền tảng dữ liệu và học hỏi hành vi tiêu dùng của khách hàng để mang đến dịch vụ tốt hơn.

Nhưng cá nhân tôi khi nghe cụm “Theo cách của bạn”, đặc biệt là phiên bản tiếng anh “Your way”, tự nhiên lại liên tưởng đến nhãn hàng Burger King. Bởi câu slogan kinh điển của chuỗi thức ăn nhanh đó là “Have it your way”. Có vẻ, Viettel sẽ cần có cách tiếp cận truyền thông khéo léo để trở nên khác biệt, khi mà slogan mới của họ không quá cụ thể và dễ nhầm với thương hiệu khác.

Còn vấn đề là liệu Viettel có đang tham vọng biến tên thương hiệu trở thành một động từ, tương tự như Google và Grab hay không. Hãy chờ đợi và quan sát những hoạt động truyền thông trong thời gian tới của họ. Vì nếu Viettel đã tính toán điều đó thật, thì thể nào họ cũng triển khai.

* Nói đến thay đổi nhận diện thì không thể bỏ qua logo, thứ trực quan và dễ nhận biết nhất, nhưng đôi khi ngôn ngữ thiết kế khó truyền tải hết sứ mệnh và ý nghĩa chiến lược ẩn sau. Anh nhận xét thế nào về thiết kế logo mới của Viettel?

Đúng là trên thế giới đã có nhiều trường hợp mà ngôn ngữ thiết kế không lột tả được ý đồ mà thương hiệu muốn truyền đạt dẫn đến những hệ quả tai hại, đơn cử như nhãn hiệu thời trang GAP. Công ty này đã chi một khoản khá lớn cho việc thay đổi logo, khoảng chục triệu USD. Nhưng sau khi nhận cơn bão chỉ trích từ khách hàng, GAP đã quay trở về sử dụng logo cũ chỉ sau 7 ngày.

GAP đã quay trở về sử dụng logo cũ sau 7 ngày đổi sang logo mới

Để lý giải, tôi muốn chia sẻ về 5 thành tố cấu thành trải nghiệm thương hiệu (Brand experience). Chúng bao gồm: Phần nhìn (Look), Phần ngôn ngữ giao tiếp (Talk), Điều thương hiệu làm (Do), Điều thương hiệu khiến người khác cảm (Feel) và cuối cùng là Sự mong ước (Dream). Bốn yếu tố đầu khá dễ hiểu, tôi sẽ diễn giải thêm về yếu tố thứ 5. Điều cuối cùng mà khách hàng mong ước và hướng đến khi sử dụng một thương hiệu, như trở thành một bản thể tốt hơn hay có ích cho xã hội, chính là Dream.

Từ đó, dễ dàng nhận thấy phần nhìn (look) chỉ là một yếu tố sơ khởi, nên khó để nó lột tả được hết những ý đồ liên quan đến chiến lược thương hiệu. Chúng chỉ có thể được diễn giải trọn vẹn dưới sự kết hợp của cả 5 yếu tố. Thêm nữa, các thương hiệu hiện nay có xu hướng tối giản về mặt thiết kế. Chúng ta thấy logo mới của Viettel đã đơn giản hơn trước nhiều, điểm nhấn duy nhất là khung đàm thoại trên chữ “i”, nên những tầng ý nghĩa trên logo cũng càng tinh tế và chỉ gạn lọc một vài điểm chính thôi.

* Viettel từng chia sẻ rằng họ tái định vị nhằm mở rộng danh mục sản phẩm hướng đến đối tượng năng động hơn, có thể hiểu là người dùng trẻ lẫn doanh nghiệp trẻ. Theo anh, thay đổi nhận diện lấy màu đỏ chủ đạo nhằm trẻ hoá thương hiệu thì có hiệu quả?

Những thay đổi về mặt nhận diện thương hiệu thường có tác động mạnh nhất đến người dùng cuối (end user), ở đây là người dùng trẻ. Còn đối với các giao dịch B2B, quyết định hợp tác thường đặt trên nền tảng về sự tin tưởng trong mối quan hệ, nên yếu tố nhận diện sẽ không ảnh hưởng quá nhiều.

Còn chuyện trẻ hoá thương hiệu, tôi cho rằng đó điều cần thiết phải làm sau một giai đoạn phát triển nhất định, từ 5 đến 20 năm. Bởi thứ nhất, thương hiệu cũng như con người, không ai muốn nghe nhận xét về bản thân là lạc hậu và chậm tiến. Chúng ta đều mong cầu được trẻ trung, được năng động trong mắt người khác. Thứ hai, đối tượng chuẩn bị nắm trong tay nền kinh tế của cả đất nước là thế hệ trẻ, họ có nhu cầu và quyền lực tiêu dùng khá lớn. Để hướng đến họ, Viettel cần phải liên tục cập nhật để bắt kịp xu thế, đây là điều hiển nhiên.

Tóm lại buổi chia sẻ hôm nay, những điều chúng ta đang thấy ở Viettel đơn thuần là sự thay đổi về phần nhìn (look), một yếu tố sơ khởi trong mô hình trải nghiệm thương hiệu mà tôi đã nêu trước đó. Để có sự đánh giá sự tốt nhất, chúng ta cần chờ xem cách Viettel truyền thông và cung cấp dịch vụ trong giai đoạn tới, quan trọng nhất là nhìn vào sự mong ước (dream) mà Viettel mang đến.

* Sau đây là một vài đúc kết chính từ nội dung thảo luận trên:

  • Viettel đã lựa chọn phương thức thay đổi toàn diện và đột ngột, không phải là thay đổi từ từ.
  • Xét thêm về mặt chi phí khi phải thay đổi đồng nhất toàn bộ bảng biển và hệ thống cửa hàng, thay đổi toàn diện trong một lần là lựa chọn hợp lý hơn việc chuyển đổi từ từ.
  • Đánh giá một chiến lược tái định vị không nên chỉ ở bề nổi như phần nhìn, mà còn phải xem xét những yếu khác như phần ngôn ngữ giao tiếp (Talk), điều thương hiệu làm (Do), điều khiến người khác cảm (Feel) và quan trọng nhất là sự mong ước (Dream) mà thương hiệu mang đến.
  • Đôi khi có sự lệch pha giữa ngôn ngữ thiết kế và kỳ vọng của khách hàng, tuy nhiên chúng ta phải nhìn vào tổng thể chiến dịch bao gồm truyền thông và các hoạt động tạo nên trải nghiệm khác.

Chuyển dịch giá trị (Phần 2): Tâm thức và Năng lượng

0

Ta là ai, trong cả cõi đời này?
Trong thương đau, tìm quên nơi huyên náo
Tìm thành công, nơi dòng đời sóng bão
Quên mất rồi, tâm thức ở trong ta.

Tôi đã viết nhiều ở phần trước về những thay đổi trong góc nhìn nhân sinh quan và trải nghiệm cuộc sống của mình từ đầu năm đến giờ. Quả thực, đến tận bây giờ tôi thấy mình vẫn còn trôi bồng bềnh trong những trải nghiệm mơ hồ của tâm linh và tâm thức. Những đức tin và tôn giáo mới, tất cả đều như những suối nguồn đưa tôi về nơi của sự sống, của tình thương và tâm từ. Trên hành trình ấy thật nhiều nhân duyên với những con người tôi không sao cảm tạ hết, vì những điều họ chỉ cho tôi không phải là những kiến thức tôi đã được học ở trường. Cũng không phải những thứ tôi học từ đời, mà họ khai mở để tôi học được những thứ từ chính tâm tôi. Để rồi từ đó, tôi mở rộng ra. Nhìn mình khác đi, nhìn đời khác đi, và nhìn công việc – sự nghiệp – phụng sự với một con mắt mới.

Hẳn mọi người vẫn chưa quên ở phần trước tôi đã nói về nhận thức con người là những bản thể đơn lập, tổ chức là những bản thể đa lập, và quá trình chuyển dịch giá trị bền vững cần được kích hoạt bởi những nỗi đau sâu thẳm từ bên trong từng bản thể. Trong phần hậu truyện tiếp theo này, tôi xin được đưa ra những kiến giải cá nhân về khởi nguồn và con đường của những tư tưởng này, và như thường lệ khuyến khích mọi người luôn tiếp nhận thông tin với góc nhìn hoài nghi cho những kiến giải.

Đầu tiên, tôi tìm thấy điểm tương đồng này trong những đức tin phổ biến nhất. Ví như một số thực hành trong Thiên Chúa giáo luôn răn dạy thánh đồ từ bỏ chính mình, tiếp nhận Chúa vì Ngài là mọi sự, để ngài sống ở bề trong và làm cho mọi thứ được nên. Đạo Phật thì khuyến khích mọi người tu tập để từ bỏ cái tôi, từ bỏ bản ngã và nhập vào niết bàn để có được an vui vĩnh hằng. Sau một thời gian thực hành cầu nguyện và thiền, tôi có một niềm tin tuyệt đối vào những điều này. Vì khi con người thực sự hoà làm một với Đấng tối cao, Ngài thực là mọi sự và là sự đủ đầy dư dật.

Đạo Phật bên cạnh đó cũng có những kiến giải rất sâu sắc về 07 tầng cõi giới tồn tại cùng nhau, tách biệt nhưng không tách rời. Ở đó, mỗi cõi giới là một dạng hạt mang tính sóng có kích thước và tần số rung động khác nhau, mà chúng ta những con người bản thể sống ở tầng cõi giới thấp nhất – cõi giới vật chất – chỉ có thể cảm nhận được một cách thô thiển bằng ngũ giác quan phàm tục của mình.

Thứ hai, trong những kiến giải của ngôn ngữ tâm thức hay nội tâm thì thế giới bên ngoài chỉ là những phản chiếu – vật chất hoá – của thế giới nội tâm bên trong chúng ta. Những thay đổi hời hợt ở mặt hành động chỉ là những nỗ lực đi vòng vòng quanh cái giải pháp chứ không giải quyết vấn đề một cách triệt để. Điều đầu tiên con người cần phải làm thay đổi trạng thái rung động điện từ về năng lượng dương, với tần số rung động cao, đặt ý cho điều mình mong muốn rồi sau đó mọi sự mới được tiến hành theo cách nó vốn là.

Thứ ba, tôi tìm được mắt xích cuối cùng trong khoa học. Isaac Newton là nhà khoa học vật lý cổ điển vĩ đại và ông cũng là một người tin Chúa. Những nỗ lực của ông cho khoa học không phải để phủ nhận mà là chứng minh sự tồn tại của Đấng sáng tạo. Ông cũng là người đặt nền móng cho Thuyết Tuyệt Đối trong khoa học. Theo sau đó 400 năm, Albert Einstein, một người con Do Thái, một nhà vật lý đương đại vĩ đại nữa lại chứng minh được sự chuyển đổi giữa vật chất và năng lượng qua công thức kinh điển E=mc2. Albert Einstein đồng thời cũng là người đặt nền móng của Thuyết Tương Đối trong vật lý hiện đại.

Vì thế, ta có thể thấy ở đây những kiến giải về vũ trụ qua năng lượng, sự tồn tại của Đấng sáng tạo trong tôn giáo và khoa học rất là tương đồng. Tuyệt đối và tương đối là hai mặt của vấn đề và tôn giáo đã nói về những điều này trước khoa học cả ngàn năm.

Werner Heisenberg, cha đẻ của vật lý lượng tử, cũng có một câu nói rất nổi tiếng: “Ngụm đầu tiên của ly bia khoa học sẽ biến chúng ta thành một con người vô thần, nhưng hãy cứ uống đến hết ly đi, vì Chúa đang đợi anh ở dưới đáy cốc”.

Thứ tư, tôi tìm thấy kiến giải này trong xã hội. Phần này tôi xin nói ngắn gọn vì hẳn chúng ta đã không còn lạ gì nữa về những niềm tin đem lại kết quả diệu kỳ như Luật Hấp Dẫn (Law of Attraction) hay hiệu ứng giả dược (Placebo) trong y khoa. Mọi người có thể tìm kiếm thêm thông tin trên Google về nội dung vì chúng khá phổ biến.

Vậy thì điều tôi đang muốn chứng minh ở đây là gì? Tôi hi vọng là đọc đến đây thì bạn dù là một người vô thần hay hữu thần thì những nội dung này cũng để lại cho bạn một vài suy tư và động lực để đi tìm câu trả lời cho riêng mình. Hãy tạm giả định những điều này có phần đúng, và chúng ta hãy cùng nhau quay trở lại với vấn đề của năng lượng, của tâm thức và tính ứng dụng trong quản trị doanh nghiệp.

Vậy trong quản trị tập thể, hay nói chính xác hơn là dẫn dắt những bản thể tâm thức đa lập này, thì người doanh chủ nên bắt đầu từ đâu? Câu trả lời của tôi là hãy bắt đầu bằng việc quản trị năng lượng.

Năng lượng là cái cốt lõi và tâm thức là cái vỏ bao. Một trạng thái rung động điện từ dương và tần số rung động cao là khởi nguồn của mọi điều như ý, và những hoạt động chỉ là sản phẩm của tâm trí. Năng lượng đúng, tâm thức đúng, ý niệm đúng, hành động đúng, rồi mới dẫn tới được thay đổi hiện thực. Còn kiến giải cụ thể cho quy trình này thì tương đối dài dòng mà tôi không thể tiếp tục dẫn dắt tiếp trong nội dung một bài viết. Nếu thuận duyên, tôi xin hẹn vào một bài sau

Deep Dive #15: Thương hiệu ACB được gì khi chiến dịch đi ngược “stereotype”?

0

Vào đầu tháng 6/2023, ACB đánh dấu cột mốc lịch sử năm 30 với thông điệp “Tiếp nối giá trị cho mai sau” với màn trình diễn “phá đảo” hàng loạt mạng xã hội của ông Trần Hùng Huy – Chủ tịch Ngân hàng ACB. Video này đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng, chẳng hạn như Top 1 trên BXH 10 sự kiện nổi bật trên social media tháng 06/2023, theo số liệu do Buzzmetrics công bố.

Khi xem xét bức tranh tổng thể, cũng không khó để nhận ra sự bài bản của cả chiến dịch sinh nhật 30 năm ACB mà trong đó sự kiện “nhảy dưới mưa” chỉ đóng vai trò “key asset” của cả kế hoạch. Như vậy, vì sao cộng đồng mạng và giới marketing không ngừng bàn tán về chiến dịch này? Thương hiệu ACB đã và được gì sau khi anh Huy lộ diện với một “stereotype” (khuôn mẫu) khác hẳn với một banker?

Cùng với sự tò mò đó, Brands Vietnam đã trò chuyện với anh Nguyễn Hải Minh – CEO Wisdom Agency – trong bài viết số 15 thuộc series Deep Dive, để nhìn lại những gì đã xảy ra và đánh giá xem ACB đã đang gặt hái được điều gì.
Deep Dive là series phỏng vấn đào sâu vào những quyết định, chủ đề, sự kiện đáng chú ý trong xây dựng thương hiệu, marketing, quảng cáo & truyền thông.

* Vào đầu tháng 6 vừa qua, video “trình diễn dưới mưa” của Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy đã “viral” trên khắp các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh sự lan tỏa tự nhiên, cũng không ít người nghi ngờ clip này có lên kế hoạch trước. Theo anh thì sao, “tự nhiên” hay “biết trước”?

Thật ra thì người làm marketing nào cũng mong muốn là chiến dịch truyền thông của thương hiệu sẽ được “viral”. Tuy nhiên, không ai có thể chắc chắn về thời điểm nào sẽ “viral”, hoặc “viral” ở mức độ cảm xúc như thế nào. Nếu cho rằng “có hoạch định trước” thì có quá nhiều rủi ro không cần thiết, nên tôi thiên về khả năng là “tự nhiên” kết hợp với “ứng biến nhanh” nhiều hơn.

Hơn nữa, có thể thấy rằng năm nay màn trình diễn của Chủ tịch Trần Hùng Huy đã thu hút sự chú ý rất lớn từ công chúng. Trên thực tế, anh ấy khá là “active” trên mạng xã hội, chứ không phải năm nay mới lộ diện. Điều đặc biệt là màn trình diễn năm nay đạt được hiệu ứng truyền thông vượt trội so với tất cả những lần xuất hiện khác.

Thế nên cá nhân tôi đánh giá cao khả năng ứng biến của đội ngũ marketing ACB khi nhanh chóng nắm bắt cơ hội tạo nên “key asset” – điểm nhấn cho toàn bộ chiến dịch, từ đó nâng cao nhận thức của công chúng về chiến dịch sinh nhật 30 năm.

Nhìn chung, tất cả các chiến dịch viral marketing ít nhiều đều cần có sự hoạch định. Dẫu vậy, có một yếu tố quan trọng nhất khi làm marketing (dù “viral” hay không) là khả năng ứng biến với của thị trường và phản hồi từ đám đông.

Đội ngũ marketing ACB nhanh chóng nắm bắt cơ hội tạo “key asset” – điểm nhấn cho toàn bộ chiến dịch sinh nhật 30 năm.

* Bên cạnh các luồng ý kiến ủng hộ, không ít chuyên gia cho rằng việc công khai danh tính trên MXH, cùng với hình ảnh mang dấu ấn nghệ sĩ không phù hợp với đặc thù của ngành tài chính – ngân hàng. Anh Minh có quan điểm như thế nào về nhận định này?

Dựa trên quan sát từ cá nhân tôi, mọi người thường có thiên kiến nhận thức (cognitive bias) khi nhắc về những người làm trong ngành tài chính – ngân hàng. Một phần nguyên nhân nằm ở đặc thù của ngành là quản lý tiền bạc của khách hàng, do vậy phần lớn đều kỳ vọng một hình ảnh chỉn chu, đáng tin cậy và nghiêm túc từ ngân hàng.

Do ảnh hưởng bởi “stereotype” – khuôn mẫu đó, khi nhắc đến cụm từ “Chủ tịch Ngân hàng”, số đông có xu hướng nghĩ đến những tính từ như chững chạc hoặc nghiêm túc. Trong khi đó, màn trình diễn của anh Huy đã đi ngược lại – một Chủ tịch Ngân hàng trẻ trung, nghệ sĩ và nhiều tài lẻ. Sự lạ lẫm (đương nhiên) dẫn đến những phản ứng trái chiều, điều đó cũng là bình thường.

Tuy nhiên dưới góc độ chuyên môn, những điểm trái với tự nhiên sẽ vô cùng hiệu quả để tạo nên tương tác hay thảo luận, vô tình (cố ý) tạo điểm nhấn cho chiến dịch ACB30. Tôi thấy marketers hay nói đùa với nhau trên mạng xã hội rằng “Team Marketing chạy cả tháng không bằng Chủ tịch nhảy một đêm”, thật ra ra câu này cũng khá hợp lý. Agency thực hiện chiến dịch này rất may mắn khi client có một “KOL in house” nổi tiếng và “chịu chơi” đến thế (cười).

Xét trên khía cạnh thương hiệu doanh nghiệp, khi nhìn lại lịch sử tái định vị của nhiều ngân hàng tại Việt Nam, đã có nhiều cái tên đã mạnh dạn đổi mới để trở nên trẻ trung hơn. Năm 2015, ACB cũng đã thay đổi bộ nhận diện thương hiệu theo hướng trẻ trung nhưng bước đi “trẻ hoá” lần này rõ ràng có phần táo bạo hơn.

* Trước và sau khi màn biểu diễn của Chủ tịch Trần Hùng Huy viral trên các nền tảng mạng xã hội, các kênh truyền thông chính của ACB đã có một loạt hoạt động tiếp nối xuyên suốt từ đầu chiến dịch “Sinh nhật ACB 30 tuổi”, như bản phối lại ca khúc mang tính biểu tượng của ACB – “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”.

Theo anh Minh, các hoạt động truyền thông này có mối liên quan gì với nhau và ACB đang muốn truyền tải thông điệp gì?

Theo tôi quan sát, không khó để thấy sự tổng hoà của các hoạt động marketing kết hợp (IMC) cho cả chiến dịch ACB 30 bên cạnh màn trình diễn của anh Huy. Nếu như khách hàng trẻ dễ dàng bị thu hút bởi bản phối hiện đại của ca khúc mang tính biểu tượng là “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, thì ngân hàng này cũng vẫn dành sự quan tâm nhất định đến các khách hàng truyền thống của mình qua các hoạt động như PR báo chí hay các chương trình khuyến mãi. Thậm chí sau màn biểu diễn viral dưới mưa của Chủ tịch, ACB cũng nhạy bén bắt “trend”, lồng ghép thông điệp vào các sản phẩm dịch vụ, teasing “ACB sẽ đến cùng cơn mưa” trên fanpage cùng với các hoạt động khác trên các nền tảng mạng xã hội.

Ở khía cạnh quan sát và đánh giá của một người làm trong ngành, các hoạt động này vốn nằm trong chiến dịch kỷ niệm sinh nhật 30 năm của ACB. Đây không phải là cột mốc quá dài đối với ngành ngân hàng, song đó là con số ấn tượng đối với một ngân hàng thương mại như ACB, đủ để chuyển giao thế hệ từ bố mẹ sang con cái. Đó là cột mốc lịch sử mà thương hiệu nào cũng cảm thấy thấy tự hào.

Có lẽ đó cũng là lý do ACB truyền tải thông điệp “Tiếp nối giá trị cho mai sau” – hàm ý về tính kế thừa trong cột mốc 30 năm của ngân hàng. Đơn cử như ca khúc “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” với sự trình bày của nữ ca sĩ Mỹ Linh cùng ca sĩ những trẻ như Mỹ Anh (thế hệ tiếp nối đúng nghĩa đen của ca sĩ Mỹ Linh) và rapper Grey D. Hiểu đơn giản ACB đang nói rằng họ luôn đồng hành cùng mọi thế hệ khách hàng, bao gồm những người lớn tuổi lẫn giới trẻ.

Thông điệp thứ ba mà ACB muốn “ngầm” truyền tải là sự trẻ hóa thương hiệu. Như tôi đã đề cập phía trên, ACB muốn tiếp cận đến nhóm khách hàng trẻ tuổi nhưng họ không chọn đi theo khuôn mẫu nào cả

* Nếu xem mọi thứ đã diễn ra là một chiến dịch, anh Minh đánh giá như thế nào về hiệu quả truyền thông?

Ước mơ của người làm marketing nào cũng là có một chiến dịch được “viral”, được nhớ đến tên thương hiệu với cảm xúc tích cực. Thế nên đánh giá ở góc độ viral clip “chủ tịch nhảy trong mưa” thôi thì cũng có thể xem là thành công rồi nhỉ? (cười)

Còn nếu quan sát bài bản hơn, chiến dịch truyền thông của ACB được triển khai với 3 thông điệp như đã nói ở trên, trong đó màn biểu diễn của anh Trần Hùng Huy tổng hoà cùng các hoạt động truyền thông khác đã tạo được hiệu ứng tốt hơn mong đợi.

Ngoài ra, mục đích chính của marketing không chỉ là nâng cao brand awareness, mà còn là xây dựng brand equity — điều mà một chiến dịch viral marketing không đảm bảo được. Do đó, đội ngũ marketing của ACB cần tận dụng mức độ quan tâm về hình ảnh vị Chủ tịch trẻ trung, từ đó chuyển đổi sự chú ý của công chúng từ “anh Hùng Huy” sang sản phẩm – dịch vụ, cũng như hoạt động truyền thông khác để xây dựng brand equity của thương hiệu.

Nhìn chung, chiến dịch truyền thông lần này của ACB có tính nhất quán và có thể xem là một chiến dịch thành công. Phần lớn mọi người đều phản ứng tích cực với màn trình diễn của anh Trần Hùng Huy. Theo số liệu công bố từ YouNet Media, video clip của anh ấy đã đạt được độ thảo luận rất cao trên TikTok, với hơn 6.300 lượt thảo luận cùng với 58.210 lượt tương tác. Điều đó đã góp phần củng cố và nâng cao hiệu quả cho chiến dịch trẻ hóa thương hiệu mà đội ngũ ACB đang muốn hướng tới.

Nguồn: YouNet Media

Anh dự đoán thì ACB sẽ còn làm gì, hay nên làm gì tiếp theo, để tiếp nối quá trình “trẻ hóa”?

Theo dự đoán của tôi, có thể từ đây đến cuối năm 2023, các hoạt động marketing chủ chốt của ACB sẽ đi theo chủ đề kỷ niệm 30 năm và hướng đến nhóm khách hàng trẻ nhiều hơn, chẳng hạn như bổ sung thêm tính năng công nghệ hiện đại, tổ chức các hoạt động trải nghiệm khách hàng thú vị, cũng như triển khai chương trình khuyến mãi hoặc quà tặng hấp dẫn để thu hút giới trẻ. Theo tôi, đội ngũ marketing của ACB đang triển khai theo nguyên tắc 4P (product, price, place, promotion) nhằm giữ chân khách hàng lâu hơn.

Về phía personal branding (thương hiệu cá nhân) của cá nhân Chủ tịch Trần Hùng Huy, tôi bắt đầu thấy những khía cạnh khác được khai thác như tình yêu thiên nhiên gắn với hoạt động bảo vệ môi trường. Điều này tôi cho là “có ý đồ” trong bối cảnh ACB đang liên tục đẩy mạnh các hoạt động phát triển bền vững theo tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).

* Gần đây, Vinamilk đã thành công thu hút sự chú ý của công chúng khi đổi bộ nhận diện mới. Quay lại với ACB, dù thể hiện rõ mục tiêu “trẻ hóa thương hiệu” như anh nói, song họ không hề thay đổi bộ nhận diện (như lần thay đổi vào năm 2015). Theo anh, hai trường hợp này có gì điểm chung gì mà khiến cộng đồng mạng và giới marketing tò mò đến vậy?

Về điểm chung, với mục tiêu trẻ hóa, ACB và Vinamilk đều đang muốn thay đổi về mặt hình ảnh dựa trên những giá trị được xây dựng và kế thừa sau hàng chục năm. Họ lựa chọn cách thức thể hiện sự chuyển dịch về mặt giá trị đó ra bên ngoài bằng các hoạt động truyền thông. Khi nhìn vào từ khía cạnh bên ngoài, có thể thấy rằng họ đều muốn trở nên trẻ trung và đa sắc hơn theo cách khá táo bạo.

Đều chọn đi ngược lại “khuôn mẫu”, trong khi Vinamilk thay đổi bộ nhận diện theo phong cách tối giản hơn, không còn giữ lại bản sắc quốc dân như trước đó, còn ACB lại là hình ảnh nghệ sĩ đa tài đi ngược với thiên kiến của các khách hàng truyền thống.

Cũng chọn đi ngược lại “khuôn mẫu”, Vinamilk thay đổi bộ nhận diện theo phong cách tối giản hơn, không còn giữ lại bản sắc quốc dân trước đó.

Nhìn chung, hai thương hiệu đều tạo ra một lượng user-generated content tự nhiên trên mạng xã hội. Bên cạnh hiệu quả truyền thông ấn tượng, việc chất lượng sản phẩm – dịch vụ cũng đang được cải thiện cho thấy việc trẻ hóa thương hiệu là một quá trình dài hạn, không phải chuyện một ngày một đêm.

Về lâu dài, sự thành công của chiến lược trẻ hoá phải do khách hàng của chính họ đánh giá. Với chiến dịch sinh nhật ACB 30 năm, họ đã thành công truyền tải ba thông điệp chính là cột mốc lịch sử, tính kế thừa và sự trẻ hóa theo một cách rất riêng!

Thanh An / Brands Vietnam

Nguồn: Brands Vietnam

5F – Định Hướng Một Công Ty Tư Vấn Nhỏ Trong Ngành Nghề Có Nhiều Thay Đổi

0

Xin chào!

Bạn có phải là đồng nghiệp của tôi? Bạn cũng đang điều hành một công ty nhỏ trong một ngành công nghiệp luôn thay đổi?

Tôi đã tham gia làm marketing từ 7 năm trước; chủ yếu là hoạt động ở agency trong 5 năm và chưa bao giờ tôi hết ngạc nhiên với sự thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là ở một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Sự thật là các cơ quan tiếp thị kỹ thuật số là nhỏ, không đề cập nhiều quá. Một agency thường có hơn 10 nhân viên sau đó lên tới hơn 100, đây là một trường hợp rất bất thường. Ví dụ, công ty Wisdom Agency của tôi có hơn 20 người với 5 phòng ban, tôi cho rằng như vậy là “ok” so với hơn 3.000 đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

Với tôi, việc điều hành một công ty digital marketing là trải nghiệm khó khăn nhất. Có nhiều vấn đề , các vấn đề từ trên xuống là:

  • Khó khăn để duy trì dòng tiền lành mạnh?
  • Có được khách hàng mới với các lần pitching
  • Xây dựng văn hóa lấy khách hàng làm trung tâm cho mọi nhân viên
  • Phát huy sự sáng tạo trong tất cả các bộ phận
  • Tuyển dụng và giữ chân nhân tài
  • Quan trọng hơn, nuôi dưỡng tài năng trong tổ chức

Nếu bạn đã gặp phải vấn đề tương tự, thì bài viết này là dành cho bạn. Nếu không, tôi không muốn lãng phí thời gian của bạn!

Dễ dàng hay là khó điều khiển, đã trưởng thành hay là đang phát triển ngành công nghiệp, tôi cảm thấy may mắn khi làm việc trong lĩnh vực digital marketing trong những năm qua. Bắt đầu từ dưới lên trên, nhìn thấy từ dưới lên trên, tìm hiểu sự khác biệt của một digital agency với các loại hình kinh doanh khác và làm thế nào để điều hành nó hiệu quả. Chiến lược phát triển một digital marketing agency có thể khác nhau tùy thuộc vào quy mô và dịch vụ, nhưng tôi tin rằng nó chủ yếu dựa vào 5 “F”. Ba yếu tố đầu tiên là các yếu tố cơ bản; hai cuối cùng là những người cạnh tranh.

  1. Flat – Phẳng
  2. Fair – Công bằng
  3. Facilitator – Người hướng dẫn
  4. Flexible – Linh hoạt
  5. Fast – Nhanh

Flat: cấu trúc phẳng. Yếu tố này đúng khi nhân viên của bạn không vượt quá 100 người. Là một nhà lãnh đạo, bạn biết tên đầy đủ của tất cả, tiểu sử và thông tin cá nhân của họ nhiều nhất có thể. Sau đó khuyến khích một nền văn hóa cởi mở và làm cho họ nghe. Không nên có nhiều lớp phân cấp; nếu có quá nhiều nó sẽ giết chết sự sáng tạo và khiến nhân viên sợ hãi. Một lợi thế của công ty nhỏ là cảm giác như ở nhà và do đó bạn không nên đánh mất điều đó. Trái ngược với cảm giác về nhà, các MNC – tập đoàn đa quốc gia lại hướng tới lợi ích thực tế và đề cao thương hiệu hơn vậy nên với các MNC cái cảm giác như là nhà không còn nữa.

Fair: chính sách công bằng. Các chính sách xác định rõ trách nhiệm và phần thưởng. Với công ty nhỏ, cạnh tranh là điều luôn luôn có. Nó là một con dao hai lưỡi, có thể thúc đẩy một công ty thành công hoặc hủy hoại công ty trong một thời gian ngắn. Do đó, làm thế nào để hướng dẫn cạnh tranh lành mạnh trong công ty là rất quan trọng, điều này chỉ có thể được hỗ trợ bởi các chính sách công bằng về trách nhiệm và phần thưởng. Nếu làm sai, rất có thể bạn sẽ mất nhân viên tốt nhất của mình. Tệ hơn nữa, họ thậm chí có thể làm xấu công ty sau khi họ rời đi.

Facilitator: là người hướng dẫn các ý tưởng mới và tinh thần thử và thử. Hãy nhớ rằng không có ý tưởng sai! Việc có cấu trúc phẳng và các chính sách công bằng hoàn toàn chỉ để tạo ra càng nhiều ý tưởng sáng tạo càng tốt. Phê bình ở giai đoạn này là độc hại. Tôi không bao giờ là người ủng hộ chính sách cắt giảm chi phí vì nó giải quyết các vấn đề ngắn hạn và không bao giờ nhường chỗ cho các ý tưởng giúp công ty nhảy vọt. Ví dụ: toàn bộ thế giới của chúng ta có thể tiến lên cho đến bây giờ là vì những ý tưởng phi thường của Edison, Gates, Jobs, v.v. chứ không phải những người thực hiện cắt giảm chi phí. Nếu bạn vẫn nghi ngờ ý tưởng của tôi, hãy đọc cuốn sách “Built To Last” của Jim Collins với nghiên cứu trường hợp của công ty lớn 3M, người đầu tư rất nhiều vào R&D.

Dưới đây là hai F khác bạn có thể đạt được hai điều này nếu bạn đã thực hiện đúng ba điều trên

Flexible: Tôi hy vọng bạn cũng là một fan hâm mộ của Darwin bởi vì tôi tin tưởng sâu sắc rằng không có chiến lược cơ bản nào hơn chiến lược linh hoạt – có thể thích nghi. Nó đã được chứng minh bởi một lịch sử hàng triệu năm vì vậy tôi không cần phải nói rõ ở đây. Các công ty linh hoạt chắc chắn tồn tại tốt hơn trong một ngành công nghiệp thay đổi nhanh chóng. Cấu trúc phẳng hỗ trợ tính linh hoạt. Mô tả công việc ngắn gọn, đừng dài dòng; bạn nên có những nhân viên háo hức, những người luôn sẵn sàng thử những điều mới và được luân chuyển. Từ quan điểm của tôi, bạn có thể xoay vòng thực hiện trên cơ sở nửa năm, cùng với kiểm toán cấu trúc và đánh giá hiệu suất. Theo cách đó, tôi không khuyến khích đầu tư lớn vào tài sản cố định như máy móc hoặc nền tảng cho đến khi bạn biết khá chắc chắn những gì bạn cần.

Fast: đây là cái cuối cùng – cái quan trọng nhất. Khi công ty của bạn linh hoạt, rất có thể nó sẽ nhanh, và chỉ có người nhanh nhất sẽ thắng. Trải qua vô số cuộc trò chuyện với các đồng nghiệp, tôi nhận thấy hầu hết trong số họ đã bị tra tấn bởi việc tìm kiếm một ý tưởng gì đó độc đáo cho các công ty của họ. Độc đáo là tốt! “Khi tất cả mọi người đang tìm kiếm sự độc đáo, mọi người đều độc đáo giống như mọi người khác.” Mọi người thấy trích dẫn này thế nào? Nó hành hạ tôi rất lâu rồi! Thay vào đó, tôi muốn tìm một cái gì đó mới và di chuyển đến đó nhanh nhất có thể. Trong thời đại công nghệ, thời gian là lợi thế cạnh tranh mới. Đối với tôi, nó không có gì khác ngoài nghệ thuật làm tốt hơn một chút mỗi ngày. Ngày nay, mọi người đều nói về mạng xã hội và di động, nhưng hầu như bạn không thể tìm thấy các agency có thể làm tốt nhưng tôi chắc chắn một số người trong số họ đã bận rộn làm việc khác vì họ muốn khác biệt – họ muốn trở nên khác biệt độc nhất. Câu hỏi quan trọng: tại sao phải thay đổi hướng đi nếu con tàu chưa đến vùng đất đầu tiên?

Về công ty của tôi, tôi đã rời bỏ công việc yêu thích của mình tại IDM và bắt đầu một liên doanh mới với những người bạn, mang tên là Wisdom Agency. Sứ mệnh của chúng tôi là cung cấp các chiến lược cho các doanh nghiệp cỡ trung bình, những doanh nghiệp mà thậm chí đôi khi không nhận ra họ cần phải có chiến lược. Do đó, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Tuy nhiên, tôi tin rằng tôi được sinh ra để làm những điều đúng đắn, không phải là điều dễ dàng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng một số con tàu sẽ thay đổi hướng đi và một số con tàu sẽ chìm trong suốt cuộc hành trình, nhưng đó không phải của tôi. Tất cả những gì chúng ta làm là di chuyển nhanh hơn một chút mỗi ngày.

Tôi chúc bạn cũng dẫn dắt tốt con tàu của bạn! Và đừng thay đổi hướng đi quá sớm…

Chiến Lược Đồng Hồ Cát – Hoạch Định Truyền Thông

0

Bài viết này được viết để giải quyết vấn đề kinh điểm về marketing – đó là phải phụ thuộc vào sự sáng tạo, và để hỗ trợ các nhà tiếp thị trẻ thực hiện quy trình lập kế hoạch nhanh chóng. Đối với một số người, đây có thể là một tài liệu tham khảo tốt cho họ nếu muốn biết phải làm marketing thế nào trong một agency chuyên về tư vấn. Bài viết này xoay quanh một câu hỏi đơn giản: Có công thức chung cho tất cả các kế hoạch marketing không? Câu trả lời của tôi không phải một câu trả lời rõ ràng là Có hay Không, mà là một giải pháp Có-Nhưng. Dù đúng hay sai, nó có thể đáng để bạn đọc bởi vì

  • Có: Có một công thức tương tự cho tất cả các hoạt động marketing là phần chiến lược. Tôi đã làm marketing được 8 năm, đã thực hiện hàng trăm kế hoạch cho các thương hiệu, đã trải qua mọi thể loại từ marketing đến truyền thông và cả nền tảng kỹ thuật số. Có các mẫu cho tất cả các công việc hoạt động, nó như xương sống cho tất cả các yếu tố khác để làm theo. Người ta thường cho rằng marketing đòi hỏi sự sáng tạo để phá vỡ ranh giới, và bất kỳ mô hình hoặc khuôn khổ nào cũng sẽ hạn chế tiềm năng của sự sáng tạo. Tôi hoàn toàn đồng ý với điều này, nhưng để phát huy sự sáng tạo cần một nền tảng vững chắc để khởi động. Công việc của chiến lược tốt là cung cấp nền tảng này.
  • Nhưng: Công thức rất khó để hiểu đầy đủ, đặc biệt là trong một bài viết. Chiến lược cho đến nay là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến. Để đóng khung nó với một chủ đề rộng như marketing, nó đòi hỏi một mức độ thành thạo và kinh nghiệm tiếp thị nhất định.

Tuy nhiên, tôi tin rằng nếu chúng ta có thể thu nhỏ chủ đề, thì sẽ có thể nhìn thấy mô hình tốt của chiến lược. Thực tế này đã khiến tôi nghiên cứu nhiều hơn về chủ đề chiến lược từ kinh doanh, marketing cho đến cả truyền thông. Nghiên cứu của tôi bao gồm thông tin từ các tác giả có uy tín và tài liệu có sẵn cho tôi với tư cách là thành viên của Chartered Institute of Marketing (CIM). Những phát hiện này là một số nguyên tắc chính cho công việc chiến lược và mô hình lập kế hoạch truyền thông mà hiện tôi đang sử dụng trong công ty Wisdom Agency – Việt Nam để đào tạo nhân viên mới và lên kế hoạch cho khách hàng.

Nguyên tắc số 1: chiến lược bao gồm ba bước

  • Tư duy chiến lược: được thực hiện qua các cuộc họp, buổi trò chuyện, hoặc thậm chí là bữa ăn. Tư duy chiến lược là yếu tố đầu tiên để xây dựng và phát triển kế hoạch. Các tổ chức không đủ khả năng chuyển đổi tư duy chiến lược và hệ thống lại sẽ dễ dàng bị mắc kẹt vào cùng một lộ trình trong nhiều năm và cuối cùng sẽ thất bại.
  • Lập kế hoạch chiến lược: đây là phần trọng tâm của bài viết này và tôi sẽ giải thích dưới đây. Ý kiến của tôi là hoạch định chiến lược chiếm 20% thành công của một chiến lược. 80% còn lại nằm ở quản lý chiến lược.
  • Quản trị chiến lược: phần cuối cùng và quan trọng nhất. Trên thực tế, có kế hoạch kém nhưng thực hiện quản trị tốt thì vẫn có kết quả tốt hơn so với ngược lại. Đối với tôi, chìa khóa để quản lý chiến lược một cách thành công là nằm ở nghệ thuật giám sát, phân tích và dự báo liên tục cho các bước tiếp theo thay vì bám sát cùng một lộ trình được hoạch định trước đó.

Nguyên tắc số 2: chiến lược tốt có ba thuộc tính (Rumelt, 2011)

  • Chẩn đoán kỹ lưỡng: người ta càng dành nhiều thời gian cho nghiên cứu và phân tích vấn đề, chiến dịch hoặc dự án sẽ càng thành công. Kế hoạch có thể giống hoặc không giống nhau sau khi thực hiện nhưng sự hiểu biết có được sau khi chẩn đoán giúp không có vấn đề gì.
  • Chính sách hướng dẫn: nếu người ta có thể chia một vấn đề (chiến tranh, kinh doanh, tiếp thị, v.v.) thành các khía cạnh riêng biệt, mỗi khía cạnh phải có chính sách hướng dẫn riêng và các chính sách này phải đồng bộ.
  • Các hành động mạch lạc: xếp tầng từ các chính sách hướng dẫn, các hành động phải tuân theo và hỗ trợ các chính sách hướng dẫn để tạo ra sức mạnh tổng hợp nhất từ việc thực thi.

Nguyên tắc số 3: hoạch định chiến lược bao gồm hai phần chính

Bất chấp bản chất của mọi vấn đề, một quy trình hoạch định chiến lược luôn bắt đầu từ A. Thấu hiểu vấn đề từ B. Thiết kế giải pháp phù hợp.

  • Phân tích tình huống: hiểu vấn đề đã xác định. Tôi cũng đề xuất nên tiếp cận một cách quy nạp để đi từ phân tích bên ngoài sang phân tích nội bộ thay vì là ngược lại. Sau đó, xác định các khía cạnh quan trọng nhất và tập hợp con của các vấn đề cần xử lý thay vì tìm kiếm tất cả. Sau cùng, chiến lược là tập trung vào trọng tâm, không phải làm tất cả.
  • Thiết kế giải pháp: sau khi phân tích, hãy đặt ra một bộ chính sách hướng dẫn tốt để thúc đẩy mọi hành động mạch lạc. Phần quan trọng nhất của bước này là thiết lập một cơ chế hỗ trợ quản lý chiến lược để theo dõi, phân tích và dự báo.

Tôi đã cố gắng kết hợp tất cả các bước phụ để tiếp thị vào một mô hình duy nhất nhưng không thành công vì nó không đơn giản hóa mà làm phức tạp quá trình lập kế hoạch. Tôi đã thu hẹp nó xuống để truyền đạt cho mọi người và bằng cách nào đó tôi đã xây dựng được một mô hình có tên Sand Clock Strategy (Chiến lược đồng hồ cát) được minh họa trong hình dưới. Mô hình này là một hướng dẫn từng bước từ Phân tích tình huống đến Thiết kế giải pháp cho các kế hoạch hoặc chiến dịch truyền thông hàng năm bao gồm hai phần chính và sáu bước phụ sẽ được giải thích thêm.

Phần 1: Phân tích tình huống

1. Toàn cầu (Xu hướng toàn cầu | Thích ứng địa phương)

  • Xu hướng toàn cầu: bắt đầu kế hoạch với sự hiểu biết toàn cầu về bối cảnh và xu hướng, đặc biệt là những mô hình kinh doanh tương tự trên khắp thế giới
  • Thích ứng địa phương: tuy nhiên, hiểu giới hạn của quốc gia là gì và sau đó chọn những ý tưởng phù hợp để áp dụng. Sự sáng tạo có thể đến từ một hình thức thích ứng địa phương nhưng đừng lạm dụng nó vì nó có thể biến công việc trở thành một bản sao.

Phần này thường được thực hiện bởi thực tập sinh và nhân viên mới của bộ phận chiến lược. Đối với một chiến dịch của Vietnam Airlines, tôi đã hướng dẫn nhóm thực hiện nghiên cứu các chiến dịch được trao thưởng của British Airway và các hãng hàng không nổi tiếng để tạo nên sự kích thích cho quá trình lập kế hoạch, nhưng cũng nhận thấy một số hạn chế nào khi áp dụng tại Việt Nam. Một trong số đó tôi lấy ý tưởng từ WestJet. Liên kết: https://www.youtube.com/watch?v=zIEIvi2MuEk

2. Nội bộ (Bối cảnh | Đối thủ cạnh tranh | Đối tác | Nội tại công ty)

  • Bối cảnh: Bắt đầu với những cái lớn nhưng phải thu hẹp lại các yếu tố quan trọng đối với khía cạnh kinh doanh và truyền thông. Đối với mô hình bổ sung, tôi khuyến nghị sử dụng mô hình PESTEL, nhưng hãy nhớ không áp dụng tất cả 6 yếu tố của nó. Ví dụ, người ta không thể quảng cáo rượu mạnh ở Việt Nam hoặc phải liệt kê tất cả các công thức thuốc khi được quảng cáo theo luật. Quảng cáo nhắm mục tiêu trẻ em bị cấm ở một số quốc gia.
  • Đối thủ cạnh tranh: hiểu những gì đối thủ đang làm để tìm ra những khoảng trống mà doanh nghiệp có thể khai thác hoặc thậm chí là điểm mạnh của họ nhưng lại phù hợp với doanh nghiệp. Để hiểu rõ hơn về cạnh tranh, hãy xem mô hình Five-Forces model of Porter (2008). Tính cạnh tranh của những đối thủ gián tiếp thường bị bỏ qua bởi những ông lớn. Coca-Cola & Pepsi đã từng không nghĩ đến thị trường đồ uống không ga ở Việt Nam vì đây không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với họ cho đến khi Tân Hiệp Phát ra mắt Trà xanh O độ và chiếm phần lớn thị trường.
  • Đối tác: thay vì chỉ nhìn vào lực lượng đối thủ của doanh nghiệp, ta cũng nên nhìn vào các lực lượng khác mà có thể được biến trở thành lợi thế. Hầu hết các chiến dịch hợp tác thương hiệu nổi tiếng đều xuất phát từ thực tiễn này, hợp đồng bảo chứng từ những người nổi tiếng cũng vậy. Mẹo là tìm các thực thể khác có đối tượng mục tiêu tương tự nhưng cung cấp các sản phẩm khác với doanh nghiệp. Sau đó, hai thực thể có thể làm việc cùng nhau để vượt qua hai thực thể khác không liên quan. Hợp tác với các nhà xuất bản truyền thông như Facebook, VnExpress cũng được coi là có lợi cho các thương hiệu.
  • Nội tại công ty: cuối cùng là hiểu công ty của bạn cũng không kém phần quan trọng. Tại thời điểm này, việc phân tích SWOT hoặc TOWS tốt là thứ hữu ích để liên kết với các phân tích trước đó trong phần nội bộ này. Nếu không, một cái nhìn nhanh về việc truyền thông trước đây cũng sẽ có lợi ích.

3. Khách hàng (Chân dung | Paint point | Insight | Hành trình)

  • Chân dung: hồ sơ nhân khẩu học hoặc nhóm sở thích. Khi chúng ta biết đối tượng của mình thích và không thích điều gì, việc nhắm mục tiêu đến họ qua phương tiện truyền thông và thu hút họ qua nội dung sẽ dễ dàng hơn. Thời điểm Pepsi Cola được ra mắt; họ không nhắm mục tiêu vào tất cả khách hàng của Coca Cola mà chỉ là một phân khúc nhỏ là những người trẻ. Điều này đã giúp tập trung nỗ lực của họ vào việc xây dựng một thương hiệu tràn đầy năng lượng thay vì một thương hiệu hạnh phúc toàn cầu như Coca Cola. Ta thấy được chân dung khách hàng của Pepsi Cola rất rõ ràng và đó là lý do tại sao họ thành công.
  • Pain point – điểm gây đau đớn: Vào cuối ngày, mỗi dự án truyền thông tốt đều phải giải quyết một “nỗi đau” của khách hàng. Nếu không có bất kì nỗi đau nào với khách hàng của họ, dự án đó không thể tạo ra tác động lớn. Nó có thể là một mức giá quá cao, một dịch vụ rườm rà hoặc đơn giản là một sản phẩm quá tệ. Truyền thông trong phạm vi của mình có thể làm giảm bớt những điểm gây đau đớn của khách hàng với các thương hiệu tự cho mình là trung tâm và do đó bỏ bê khách hàng.
  • Insight – sự thật ngầm hiểu: đây điểm đòn bẩy của toàn bộ dự án hoặc chiến dịch khiến nó hấp dẫn khách hàng mục tiêu. Một số người có thể nhầm lẫn insights với sự thật, nhưng một insight tốt thường tạo ra một khoảnh khắc “aha” chứ không phải là “vậy thì sao?”. Chẳng hạn, mọi người đều biết rằng đàn ông yêu phụ nữ nhưng không phải ai cũng biết rằng đàn ông cảm thấy khó chịu khi nhìn người đàn ông khác khỏa thân hoặc chỉ mặc đồ lót. Trước đó, các thương hiệu đồ lót nam luôn thể hiện những người đàn ông gần như khỏa thân hoàn toàn. Nó không hoạt động tốt, và bây giờ họ thay đổi bằng việc kết hợp hình ảnh phụ nữ vào hình ảnh và mặc thêm quần áo cho người mẫu nam của họ.
  • Hành trình: từ một khách hàng xa lạ đến một khách hàng trung thành, hành trình hiệu quả được xây dựng chỉ bao gồm những điểm chạm quan trọng, không phải tất cả. Khi các điểm tiếp xúc này được xác định, chúng tôi sẽ biết những gì nên tăng cường, những gì không nên cho một chiến dịch/dự án, sau đó có ý định về các bước tiếp theo để lập kế hoạch.

Phần 2: Thiết kế giải pháp

4. Concept (Tagline | KV & Adaptation | Content & Message)

  • Tagline: thông điệp quan trọng nhất mà thương hiệu muốn truyền đạt. Nó được đặt làm chủ đề chiến dịch
  • KV & Adaptation: hình ảnh chủ đạo của các chiến dịch/dự án được sử dụng nhất quán từ đầu đến cuối chiến dịch/dự án và thích nghi phù hợp trên tất cả các kênh
  • Content – Nội dung: thường được biết đến với kế hoạch nội dung. Trong khung thời gian dự án, các thương hiệu cần nói chuyện với khách hàng thường xuyên. Một kế hoạch nội dung là để tạo điều kiện cho thương hiệu giao tiếp thường xuyên với khách hàng.

“Dirt is good”, là một chủ đề chủ đạo và tagline toàn cầu của OMO. Hình ảnh quan trọng của nó và tất cả sự thích ứng hình ảnh có thể được tìm thấy bằng cách gõ vào “Dirt is good” vào tìm kiếm của Google. Đây là một ví dụ tốt về việc hình ảnh và nội dung nhất quán trên nền tảng toàn cầu.

5. Lập kế hoạch kênh truyền thông (Flow | Touch-point | Kênh | Hoạt động chính)

  • Flow & touch-points: từ nhận thức về thương hiệu đến lòng trung thành, một luồng chiến dịch tốt là xác định tất cả các điểm tiếp xúc mà chiến dịch có thể xử lý hoặc có tính kế thừa cao, hiểu hoàn toàn cuộc đối thoại với khách hàng.
  • Kênh: dựa trên các mục tiêu đã chọn, ta sẽ chọn ra các kênh phù hợp. Các tiêu chí để chọn kênh có thể thay đổi tùy theo phạm vi so với mức độ tương tác hoặc ATL so với BTL. Các kênh kỹ thuật số là những kênh mới, nhưng đã sớm trở nên linh hoạt nhờ các nhà marketing có kinh nghiệm. Đối với một thương hiệu mới vừa được ra mắt, nhận thức về thương hiệu dường như là ưu tiên hàng đầu. Đối với các thương hiệu trưởng thành, tập trung vào việc xây dựng sự tham gia tương tác của khách hàng là điều cần thiết.
  • Các hoạt động chính: cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, mỗi giai đoạn của chiến dịch cần một hoạt động chính. Các nhà tiếp thị mới thường lên kế hoạch cho các chiến dịch dựa trên kênh, các nhà tiếp thị có kinh nghiệm lên kế hoạch cho các chiến dịch theo từng giai đoạn. Vì lý do này, mỗi người có thể cung cấp một hiệu ứng nổi bật nếu họ có hoạt động chính của riêng mình. Ví dụ, giai đoạn khởi động không thể nổi bật nếu không có sự kiện ra mắt xuất sắc, trong khi giai đoạn duy trì không thể tốt nếu không có các trò chơi tương tác kỹ thuật số thú vị.

6. Thực thi (Timeline | Ngân sách | KPI | Đo lường | Phân tích)

  • Timeline: dự án có dòng thời gian rõ ràng và hành động mạch lạc mỗi ngày là một dự án tốt. Nếu không có kế hoạch thời gian, dự án sẽ dễ thay đổi và mang lại hiệu quả kém.
  • Ngân sách: kế hoạch tốt phải phân phối ngân sách cụ thể, hoặc ít nhất là phải có sự phân bổ ngân sách cho mỗi kênh. Việc thay đổi ngân sách trong quá trình thực hiện là không thể tránh khỏi, nhưng không xác định rõ ngân sách ở giai đoạn lập kế hoạch thì ngân sách luôn bị vượt quá.
  • KPI: là những gì một người trả tiền muốn được trả lại. Sẽ không có khách hàng nào đồng ý bất cứ điều gì nếu họ không biết họ sẽ nhận được những gì. Tuy nhiên, việc thiết lập báo giá hoặc kế hoạch hành động hợp lý và thuyết phục khách hàng đồng ý đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và kỹ năng từ các agency marketers.
  • Đo lường & Phân tích: thực hiện báo cáo trong quá trình thực hiện, phân tích dữ liệu và hành động để xác định các lỗ hỏng chiến lược, rồi tìm giải pháp khắc phục chúng. Bước này khá gần với việc quản lý chiến lược. Tôi khuyên bạn nên dành nhiều thời gian hơn ở bước này để giảm thiểu sai sót. Có một điều rất phổ biến trong ngành dịch vụ marketing, đó là nhiều agency giỏi hoạch định chiến lược lại có xu hướng quản lý chiến lược rất kém, điều đó tạo ra những khoảng trống lớn và khiến khách hàng thất vọng.
Cuối cùng, tôi để ở đây các tài liệu mà tôi đã tham khảo nếu bạn muốn khám phá thêm về chủ đề này.

Tài liệu tham khảo:

  • CIM (2017), Chartered Marketer Test, Berkshire, UK
  • Porter, M., (2008), “Competitive Strategy: Techniques for Analyzing Industries and Competitors”, The Free Press, New York
  • Richard Rumelt (2011), “Good Strategy, Bad Strategy – The Difference and Why It Matter,” Crown Publishing, US

Chuyển Dịch Giá Trị & Tích Hợp Những Điều Này Vào Thương Hiệu Doanh Nghiệp

0

Những Chuyển Dịch Giá Trị

Bước qua quý 3 nửa sau năm 2023, bức tranh chung của nền kinh tế dần dần hiện rõ ra cùng những khó khăn và những cơ hội. Thóc không giã không thành gạo, kim cương không mài không sáng bóng. Những hoàn cảnh dễ dàng không làm cho doanh nghiệp tốt lên, và những thử thách là cơ hội để hoàn thiện. Nếu không có đại dịch Covid19, các doanh nghiệp chắc cũng sẽ không cần phải hối hả Chuyển dịch lên nền tảng số.

Có thể nói, những thay đổi ngoại vi sẽ thúc ép doanh nghiệp chuyển dịch để tốt lên, và chúng ta đều có thể nhận thấy năm 2022 chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của các ứng dụng công nghệ. Chúng ta đã chứng kiến sự ra đời và “ra đi” của metaverse, và gần đây nhất là làn sóng trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) được khởi đầu bởi sự thành công của ChatGPT.

Có điều sự phát triển của công nghệ có phải lúc nào cũng đi liền với phát triển kinh tế hay sự hạnh phúc bền vững hơn của con người?

Có vẻ là không, khi công nghệ thời gian gần đây phát triển là thế nhưng kinh tế toàn cầu vẫn chìm trong các vấn đề bất ổn tạo ra bởi con người. Công nghệ có thể đã làm được cho con người nhiều điều, nhưng có thể chính những tương tác thuần tuý máy móc này lại là nguyên nhân cho sự cô đơn và ám thị của con người nhiều hơn. Công nghệ phát triển là thế. Nhưng điều đó chưa chắc sẽ đi liền với việc phát triển của nền kinh tế, và còn xa vời lắm để nói là nó sẽ làm con người chúng ta vui vẻ và hạnh phúc hơn.

Có thể nói, sức ép từ công nghệ, chiến tranh, nguy cơ suy thoái toàn cầu và những ảnh hưởng của chúng đến thị trường trong nước chắc chắn sẽ lại dẫn chúng ta đến với một lần Chuyển dịch nữa. Có điều lần này sẽ là một Chuyển dịch sâu sắc hơn – Chuyển dịch giá trị (Value Shift).

Vậy Chuyển Dịch Giá Trị Có Liên Quan Gì Đến Thương Hiệu?

Qua thời gian và sự tiến bộ về nhận thức, những chương trình chuyển đổi thương hiệu hay truyền thông giờ đây đâu còn là những thay đổi bên ngoài hay những chương trình quảng cáo tỷ đồng để tạo nhận diện. Ẩn sâu bên trong những kế hoạch tái định vị hay khuếch trương là một sự chuyển dịch sâu sắc từ bên trong doanh nghiệp.

Có thể doanh nghiệp muốn bán cho những người mua mới – Chuyển dịch thị trường

Có thể doanh nghiệp muốn cung cấp những dịch vụ mới – Chuyển dịch giá trị

Có thể doanh nghiệp muốn bán nhiều loại sản phẩm hơn – Chuyển dịch định vị.

Dù là trong trường hợp nào thì hẳn cũng có những tác động ngoại vi từ thị trường đến với họ, như là nhận được vốn đầu tư, một dự án thành công đem về cho họ rất nhiều doanh thu, hay tiêu biểu nhất thời gian này – họ đang đứng trước những thử thách khó khăn của giai đoạn mới.

Chỉ khi nào chúng ta nắm bắt được sâu sắc ý nghĩa của sự chuyển dịch này, chúng ta mới có thể định hướng được thương hiệu doanh nghiệp nên thể hiện điều đó như thế nào, không chỉ qua các hoạt động truyền thông hướng tới khách hàng, mà cả những hoạt động truyền thông nội bộ mang tính định hướng và đào tạo nhân sự, hay thậm chí là định hướng lại triết lý kinh doanh của doanh nghiệp.

Bài viết cũ đã đề cập tới tầm quan trọng của việc đấu nối thương hiệu với các hoạt động tổ chức cùng các nguyên lý căn bản. Tiếp nối bài viết, Wisdom Agency sẽ tiếp tục lấy mô hình tích hợp thương hiệu Brand Integration Model (BIM) làm gốc để giải nghĩa cách thức mà những Chuyển dịch giá trị len lỏi vào từng ngóc ngách và được biểu lộ qua từng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Chuyển dịch giá trị và Tích hợp thương hiệu vào chiến lược kinh doanh của Hữu Nghị Foods

Tích hợp chiến lược doanh nghiệp với thương hiệu có thể đến từ nhiều cấp độ. Đối với Hữu Nghị những chuyển dịch giá trị diễn ra ở một phân tầng rất sâu trong cấu trúc hệ thống khi công ty mong muốn thay đổi định vị để mở rộng thị trường kinh doanh vào miền Nam. Có thể nói, chuyển dịch giá trị cốt lõi nhất của Hữu Nghị Foods là về quy mô từ một doanh nghiệp vùng miền sang một doanh nghiệp toàn quốc với độ phủ đều khắp.

Câu chuyện của Hữu Nghị và bài toán Nam tiến.

Dòng bánh tươi của Hữu Nghị là những sản phẩm chủ đạo khá quen thuộc ở miền Bắc nhưng lại chưa phổ biến ở Miền Nam. Nhận thấy thị trường miền Nam còn nhiều tiềm năng phát triển, Nam tiến là một trong những chiến lược chủ chốt của Hữu Nghị cho dòng sản phẩm này. Tuy nhiên, cái khó của việc thâm nhập thị trường miền Nam là thị trường đã có quá nhiều lựa chọn trong khi các sản phẩm của Hữu Nghị lại khá phân mảnh, mang nhiều tên gọi khác nhau. Nếu đưa toàn bộ dòng sản phẩm đang có Nam tiến, nguồn lực sẽ bị chia nhỏ, và có thể dẫn tới sự cạnh tranh lẫn nhau, khó tạo ra sức mạnh tổng thể để đối đầu trực diện với đối thủ và thị trường nhắm tới.

Vì lý do đó, tái cấu trúc danh mục thương hiệu chính là bước đầu để củng cố nền tảng và tạo dựng sức mạnh tổng hợp hỗ trợ các hoạt động tương lai.

Cụ thể hơn, trong năm đầu tiên, thay vì để mỗi sản phẩm ‘tấn công thị trường’ một cách đơn lẻ, Hữu Nghị gom chung 5 dòng bánh đang bán thành một thương hiệu mũi nhọn: Staff, từ đó tối đa độ nhận diện trên thị trường và tạo sự nhất quán trong các hoạt động marketing sau này.

Câu chuyện định vị mới gắn liền với chiến lược kinh doanh

Đầu tiên, thị hiếu khác biệt từ bao bì đến khẩu vị; từ cảm nhận đến hành vi. Chẳng hạn trong quá trình nghiên cứu và tư vấn, Wisdom nhận thấy thị trường miền Nam thường ít trung thành hơn, thích thử cái mới hơn, các dịp sử dụng cũng đa dạng hơn và hương vị cũng hiện đại hơn.

Do đó sớm muộn Hữu Nghị cũng cần phát triển những dòng bánh riêng cho thị trường miền Nam. Nhưng phát triển những vị nào, không chỉ phụ thuộc vào thị hiếu mà còn phụ thuộc vào chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp. Đâu là ‘nguồn tăng trưởng’ của dòng bánh mì tươi Staff, thị phần này được lấy từ đâu.

Trong quá trình tư vấn, Wisdom và Hữu Nghị đi đến thống nhất về mặt chiến lược doanh nghiệp: ‘Thách thức kẻ dẫn đầu’ – cạnh tranh trực diện với đối thủ trên mọi mặt trận. Do đó Staff cần một định vị đủ rộng để hợp nhất các sản phẩm cũ và mở đường cho kế hoạch phát triển sản phẩm mới tương thích với thị trường phía Nam.

Định vị “Bữa ăn dinh dưỡng trên mọi hành trình” ra đời với thông điệp nhiều phân tầng

  • Hành trình một ngày
  • Hành trình từ nhỏ tới lớn
  • Hành trình từ Bắc tới Nam
  • Mọi hành trình cuộc sống

Định vị này cũng thay đổi quan điểm của thị trường về dòng bánh mì tươi – không chỉ nhanh, tiện mà còn ngon và giàu dinh dưỡng, cung cấp đủ năng lượng cần thiết trên mọi hành trình cuộc sống.

Staff – Nutritious meals on every journey

Có thể nói, những giá trị cốt lõi của Hữu Nghị cho dòng bánh tươi Staff đã thay đổi và trưởng thành từ một thương hiệu vùng miền tập trung nhiều vào các tỉnh miền Bắc để vươn xa ra tầm quốc gia. Định vị của dòng bánh cũng thay đổi từ một món ăn vặt hay ăn dặm hàng ngày để có sự sắp xếp và chỉn chu hơn cho tương lai phát triển rộng khắp. Tất cả đều bắt nguồn từ một chuyển dịch giá trị trong nhận thức của doanh nghiệp về quy mô mà nó muốn hướng tới.

Nội dung điển cứu của Hữu Nghị cũng khép lại chuỗi bài viết chính thức của Mô hình tích hợp thương hiệu của Wisdom Agency. Những điển cứu tiếp theo đến từ hoạt động thực nghiệm tại doanh nghiệp sẽ được cập nhật tài hồ sơ doanh nghiệp và hồ sơ chuyên gia của ông Nguyễn Hải Minh.

Điển Cứu Thực Nghiệm Của Chuyển Dịch Giá Trị & Tích Hợp Thương Hiệu Doanh Nghiệp

Trong nội dung lý thuyết cơ bản lần trước, độc giả đã có dịp tìm hiểu qua về khái niệm Chuyển dịch giá trị và tính ứng dụng của Mô hình tích hợp thương hiệu thông qua một điển cứu duy nhất của quá trình thực nghiệm tại Wisdom Agency. Để minh hoạ rõ nét hơn nội dung này, tôi đã xin phép khách hàng được chia sẻ những nội dung tư vấn này nhằm góp phần vào việc phát triển nhận thức và tri thức của cộng đồng làm nghề.

Hữu Nghị là một ví dụ minh hoạ cho chuyển dịch giá trị của thị trường từ khu vực ra toàn quốc. Sau đây là hai điển cứu nữa về Chuyển dịch giá trị trong dịch vụ cung cấp và Chuyển dịch giá trị trong tạo dựng định vị mới, cũng như cách thức những chuyển dịch này thay đổi hoạt động truyền thông và hoạt động xậy dựng văn hoá nội bộ.

Chuyển dịch giá trị và Tích thương hiệu vào các hoạt động truyền thông đại chúng của AHT – chủ quản Nhà ga hàng không quốc tế Đà Nẵng

Trong một số trường hợp, chuyển dịch giá trị không đến từ những phân tầng sâu sắc mà bề mặt hơn, ví như những hoạt động truyền thông hướng tới khách hàng bên ngoài. Tuy nhiên, các hoạt động truyền thông này vẫn cần lấy định vị thương hiệu làm gốc để thông điệp dù là được truyền đạt qua các chiến dịch ngắn hạn cũng đạt được tính nhất quán trong dài hạn.

Nhà ga quốc tế Đà Nẵng (T2) – được quản lý và vận hành bởi Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) – cũng là một trong những đơn vị hàng không cấp tiến trong việc thay đổi và đầu tư vào hình ảnh của điểm đến. Người dân chúng ta thường đã quá quen thuộc với hình ảnh những nhà ga chức năng chỉ là nơi đón trả hành khách không hơn không kém. Nhưng T2 mong muốn phát triển nhiều hơn thế khi theo đuổi định vị Nhà ga trong nội thành (City Airport) tức là hơn chỉ một nơi dành cho hành khách mà còn là nơi dành cho toàn bộ cư dân của thành phố, nơi mọi người có thể đến, vui chơi, mua sắm và tận hưởng từng phút giây dù ra để về hay chuẩn bị cho một chuyến hành trình sắp tới.

Từ những chuyển dịch về mặt đối tượng thụ hưởng và công năng này, từ đầu năm 2023 đến nay nhà ga T2 đã có những thay đổi mạnh mẽ bằng việc tăng cường tiện ích, cải tạo mảng xanh, và gần đây nhất là chiến dịch truyền thông Pink Terminal để chào đón nhóm nhạc Black Pink đến Việt Nam và những hoạt động hợp tác song phương Việt Nam đầy tiềm năng trong thời gian tới.

Có thể thấy, để thực sự trở thành một Nhà ga nội thành, T2 cần phải có một chuyển dịch giá trị từ một nhà ga chức năng sang một nhà ga hiếu khách bậc nhất Việt Nam. Định vị giá trị mới sẽ hấp dẫn hơn để không chỉ hành khách mà người dân Đà Nẵng cũng muốn dành thời gian đến chơi và thăm ở một nơi thật tuyệt vời này.

Lúc này không chỉ là mối quan hệ giữa định vị thương hiệu và các chiến dịch truyền thông ngắn hạn, các hoạt động quảng cáo always on như vẫn thường làm mà nhìn rộng ra, cách thương hiệu giao tiếp với khách hàng từ ngôn ngữ đến phi ngôn ngữ cũng thay đổi và trở nên gần gũi hơn. Hành khách hoặc người dân Đà Nẵng có thể giao tiếp một cách nhanh chóng cùng T2 trên mạng xã hội, hay những hành khách thường gặp khó khăn tại sân bay có thể nhận được sự hỗ trợ tận tình của đội ngũ Helper chuyên biệt.

Nhà ga cũng rất chú trọng vào việc tạo không gian thoải mái và niềm vui cho hành khách và người dân khi ngoài những chương trình mang tính thời điểm như Pink Terminal luôn là những nỗ lực liên tục để cải thiện mảng xanh bên trong khu nội khu, hay xây dựng hình tượng mascot chú chim hải âu để nhân cách hoá thương hiệu một cách gần gũi.

Có thể nói, hoạt động tiếp thị hay truyền thông đại chúng cũng không nằm ngoài tính kiểm soát của những chuyển dịch sâu sắc bên trong doanh nghiệp, mà ở đây chúng ta có thể thấy là sự chuyển dịch về định vị, đối tượng thụ hưởng và công năng của dịch vụ.

Chuyển dịch giá trị và Tích hợp thương hiệu vào xây dựng văn hóa doanh nghiệp – Edutalk

Trong một số trường hợp khác, những chuyển dịch giá trị xảy ra một cách âm thầm và thấm đẫm vào hoạt động nội bộ của doanh nghiệp hơn là những hoạt động truyền thông hướng ra bên ngoài.

Ở một góc độ nào đó, văn hóa và thương hiệu luôn song hành với nhau. Nếu thương hiệu là lớp áo ngoài thì văn hóa là con người bên trong, nếu thương hiệu là cách thị trường cảm nhận về doanh nghiệp thì văn hóa là yếu tố giúp hợp nhất những điều doanh nghiệp nói và làm, tổng hợp sức mạnh nội bộ để cùng theo đuổi và hiện thực hóa chiến lược thương hiệu.

Muốn người ngoài cảm nhận đúng về thương hiệu thì nhân sự doanh nghiệp phải hiểu đúng, tin, yêu và đồng lòng. Bởi suy cho cùng xây dựng thương hiệu không chỉ là xây dựng hình ảnh bên ngoài mà còn là văn hóa bên trong. Nếu làm được tích hợp liên kết cả trong lẫn ngoài này, những nỗ lực tái thiết thương hiệu của doanh nghiệp sẽ đạt được những kết quả vượt trội. Vì lẽ đó, khi thương hiệu có một câu chuyện thật hay để kể ra bên ngoài, hãy để toàn bộ nhân sự tự hào trở thành một phần trong đó.

Năm 2022 là một năm bản lề của Edutalk khi doanh nghiệp quyết định đầu tư vào việc phát triển thương hiệu. Từ một nền tảng chuyên kết nối người học tiếng Anh và các trung tâm cung cấp khóa học, Edutalk phát triển thêm những nhãn hàng độc lập để cung cấp dịch vụ và cần có những thương hiệu và định vị riêng, mạnh mẽ độc lập, nhưng không tách rời khỏi tập thể chung những nhân sự trẻ trung và nhiệt thành cho sự phát triển của công ty.

Có thể nói, yếu tố quyết định trong việc xây dựng thương hiệu của Edutalk vẫn nằm ở việc phát triển nhiều thương hiệu con nhưng vẫn đảm bảo tính gắn kết của tập thể. Từ góc độ doanh nghiệp, ta có thể thấy những chuyển dịch giá trị rất rõ nét của Edutalk từ một nền tảng kết nối sang một đơn vị cung cấp đa giải pháp cho nhu cầu học tập tiếng Anh. Trong tương lai, định vị giá trị của Edutalk còn có dư địa cho nhiều phát triển khác ngoài mảng tiếng Anh hiện tại.

Với thông điệp mới “Edutalk – More than just talk” là lời tuyên ngôn của doanh nghiệp về chuyển dịch từ nền tảng kết nối sang cung cấp dịch vụ và chăm sóc khách hàng trên lộ trình học tập xuyên suốt, bao gồm nhiều sản phẩm học tập tiếng Anh khác nhau như IELTS, TOEIC, giao tiếp vv..vv..

Trong nội tại doanh nghiệp, một câu chuyện văn hoá cũng được xây dựng để gắn kết các đội nhóm tiền tuyến hoạt động tài nhiều trung tâm chi nhánh, và các đội ngũ hậu cần phục vụ phát triển cho nhiều nhãn hàng. Thống nhất xuyên suốt toàn bộ văn hoá nội bộ doanh nghiệp là câu chuyện “Hạm đội Edutalk” được xây dựng dựa trên niềm đam mê của các bạn trẻ với Đại hải trình One Piece và tính chất gắn kết, tương trợ của nhiều con tàu nhỏ trong toàn bộ một hạm đội bất khả chiến bại.

Các hoạt động truyền thông và tương tác nội bộ cũng được xây dựng tương ứng để kết nối hai khía cạnh của thương hiệu và truyền thông trong ngoài cùng nhau, và được triển khai đều đặn trong năm.

Tương tự như những điểu cứu ở trên, có thể nói ngay cả những hoạt động văn hoá nội bộ doanh nghiệp cũng có sự gắn kết hữu cơ với thương hiệu và hoạt động truyền thông bên ngoài hướng về khách hàng. Tất cả những cấu phần này cũng không tách rời một sự chuyển dịch giá trị sâu sắc hơn bên trong cấu trúc doanh nghiệp, mà ở trường hợp này là những chuyển dịch về mô hình kinh doanh và dịch vụ cung cấp.

Khái niệm Chuyển dịch giá trị trong doanh nghiệp còn xảy ra ở rất nhiều khía cạnh của doanh nghiệp. Những điển cứu tiếp theo sẽ được cập nhật tại trang hồ sơ doanh nghiệp Wisdom Agency và cá nhân ông Nguyễn Hải Minh.

Khi cờ vua dạy cho tiếp thị và quản trị doanh nghiệp các nguyên tắc của chiến lược

0

Tháng 6/2018 là thời điểm tôi hoàn thiện bài viết đầu tiên với chủ đề “Khi cờ vua tương đồng với tiếp thị về các nguyên tắc của chiến lược” để chia sẻ những suy nghĩ và chiêm nghiệm ban đầu của bản thân về hai bộ môn có nhiều điểm tương đồng này. Xét cho cùng thì những điểm tương đồng này cũng dễ hiểu vì cờ vua cũng chỉ là một phiên bản giản lược của chiến tranh, còn tiếp thị hay quản trị chẳng phải cũng là những hình thái hiện đại của chiến tranh thôi sao.

Ba năm sau, khi những suy nghĩ và kỹ năng chơi cờ vua của tôi đã phát triển lên một trình độ mới, tôi cũng phát hiện ra những khía cạnh mới trong việc so sánh các nội dung trên, điều này đã truyền cảm hứng cho tôi viết phần tiếp theo của loạt bài này. Trong bài viết lần này, tôi có một quan điểm trừu tượng hơn để phân tích chủ đề, tuy nhiên từ đó tôi cũng hy vọng sẽ tạo ra những hiểu biết sâu sắc và có tính ứng dụng cao hơn.

Vì vậy, xin hỏi lại các bạn hai câu hỏi quen thuộc. Bạn có chơi cờ vua không? Bạn có làm việc trong lĩnh vực tiếp thị không? Đây là hai câu hỏi cơ bản mà tôi đặc biệt khuyên mọi người nên tự hỏi mình trước khi đi vào nội dung của bài viết dưới đây. Nếu bạn đã sẵn sàng, nào chúng ta cùng khám phá những điều mới mẻ mà tôi đã tìm thấy trong cờ vua nhé.

#1: Quan niệm sai lầm về chiến lược

Như tôi đã đề cập đến vấn đề này trong bài viết trước. Có một quan niệm sai lầm khá phổ biến khi nhiều người nghĩ rằng cờ vua là một bộ môn của chiến lược nhưng thực tế nó không hẳn như vậy. Điều này một phần được cổ xuý bởi hình ảnh cờ vua được sử dụng rất nhiều trong các hình ảnh truyền thông trong kinh doanh và tiếp thị, và người xem thường là nạn nhân của những ngộ nhận này.

Doanh nhân chơi cờ

Trong suốt lịch sử phát triển của bộ môn vua và các biến thể của bộ môn này, chiến lược luôn là một phần của trò chơi nhưng tất nhiên hoàn toàn không phải là cốt lõi, hoặc ít nhất chiến lược không phải là trọng tâm trong phiên bản cờ vua quốc tế như chúng ta vẫn biết. Cờ vua thực tế được cộng đồng các chuyên gia cờ vua nhận xét là một phiên bản nặng về tính chiến thuật (tactics) hơn là chiến lược (strategy), mặc dù để chơi cờ đạt đến trình độ xuất sắc người chơi phải nắm vững khía cạnh chiến lược của trò chơi. Một lý do có thể được đưa ra để ủng hộ quan điểm này là sự thiếu vắng của tư duy dài hạn trong trò chơi. Chúng ta có thể thấy kết quả của một trận đấu cờ vua thường được quyết định bởi tính toán ngắn hạn và độ chính xác của các bước đi. Không có nhiều yếu tố chiến lược vì thời lượng ngắn và tổng số lượng bước đi của mỗi bên chỉ có vỏn vẹn khoảng 40 nước mà thôi. Vì vậy, nếu một người thiên về chiến lược thì trò chơi cờ vây của Trung Quốc có vẻ sẽ phù hợp hơn vì thời lượng một ván kéo dài hơn nhiều, và ngay cả khi trò chơi kết thúc kết quả vẫn chưa thể định đoạt. Chỉ khi nào hai người chơi dừng hẳn thì kết quả mới được tính toán ngược lại dựa trên số ô chiếm được trên bàn cờ.

Tóm lại, có rất nhiều biến thể của các trò chơi chiến lược như cờ vua, cờ tướng Trung Quốc hay cờ vây, và mỗi biến thể của cờ vua phản chiếu nhiều khía cạnh khác nhau của quá trình tư duy. Theo tôi, cờ vua thiên về chiến thuật, cờ tướng Trung Quốc thiên về tấn công và chỉ có cờ vây là một trò chơi chiến lược thực sự rất giống với mô hình chiến tranh mà nó giả lập, nơi mà khái niệm chiến lược lần đầu tiên được khai sinh.

Tương tự, tôi nghĩ đang có rất nhiều doanh nhân mắc sai lầm trong việc áp dụng chiến lược vào tiếp thị và quản trị doanh nghiệp. Tất nhiên, tất cả những quyết định, phương cách thực thi, suy nghĩ đều đóng góp vào sự thành công của chiến lược, nhưng không phải yếu tố nào cũng có thể gọi là chiến lược. Trong hầu hết các trường hợp, doanh nghiệp nhầm lẫn giữa chiến lược và việc thực thi công việc hay mục tiêu doanh nghiệp, và sự hiểu lầm này có thể xem như một dạng của khiếm khuyết gây tổn hại cho toàn bộ tiến trình kinh doanh sau này, kết quả cuối cùng là dẫn tới phá sản doanh nghiệp. Tôi đã gặp và có dịp nói trò chuyện với nhiều cấp CEO và CMO trong các công ty có quy mô và kích cỡ khác nhau, và vài người trong số họ thực sự không có tư duy gì về chiến lược cả, điều mà tôi mong đợi là phải có từ những người đang nắm giữ vị trí cấp cao như vậy trong doanh nghiệp. Không may thay, thực tế này hoàn toàn không hiếm gặp tại Việt Nam, khi nền kinh tế của chúng ta đang phát triển rất thịnh vượng với nhiều cơ hội, điều này đã khuyến khích một thế hệ doanh nhân có nguồn lực và mạng lưới quan hệ rộng rãi sớm đạt được thành công, nhưng họ chỉ có thể suy nghĩ ngắn hạn về “những việc phải làm bây giờ” chứ không nghĩ xa được về “những việc tiếp theo quan trọng để phát triển”. Đôi khi, họ thậm chí có thể đặt để thành công của mình trên một tư duy chiến lược bài bản trong khi đó có thể chỉ là kết quả của xác suất, sự may rủi, hay cơ bản là sự giàu có và quá dư thừa về mặt nguồn lực. Giống như ngạn ngữ Anh vẫn có câu, “thuỷ triều dâng sẽ nâng tất cả các thuyền”.

Tóm lại, tôi nghĩ rằng quan niệm sai lầm về chiến lược đang rất phổ biến trong thế giới cờ vua và quản lý doanh nghiệp ngày nay. Tuy nhiên, sự hiểu biết thực sự về bản chất và định nghĩa của nó là cần thiết, và tôi tin rằng sự hiện diện của chiến lược trong bối cảnh tiếp thị và quản lý mới, đặc biệt là trong nền kinh tế đang phát triển vũ bão như Việt Nam, là yếu tố quan trọng để duy trì sự tăng trưởng lành mạnh, tính cạnh tranh của các công ty nội địa hiện nay trong tương lai khi nền kinh tế Việt Nam thực sự hội nhập với nền kinh tế thế giới.

#2: Khả năng tư duy hình tượng cũng đóng một vai trò quan trọng

Một quan niệm sai lầm khác về cờ vua cũng rất đáng chú ý đó là “chơi cờ vua là cần tư duy logic; như vậy những người có chỉ số IQ cao sẽ chiếm ưu thế trong bộ môn này”. Công bằng mà nói, khả năng tính toán logic là điều bắt buộc để giỏi cờ vua, nhưng nó không phải là duy nhất. Trong nghiên cứu gần đây, tác giả Howard Gardner đã chứng minh rằng con người có tới 9 loại trí thông minh mà tôi tin rằng không chỉ trí thông minh logic mà cả trí thông minh hình tượng cũng góp phần không nhỏ tạo nên thành công trong cờ vua và quản trị.

Để nói rõ hơn, chúng ta hãy lấy bộ môn cờ mù làm ví dụ.

Một trận đấu cờ vua mù

Không giống như cờ vua thông thường, người chơi cờ mù không cần quân cờ hoặc bàn cờ, cả hai người chơi sẽ thi đấu trong tâm trí của họ bằng cách sử dụng một phương thức giao tiếp theo ký hiệu để theo dõi nước đi mà cả hai đã thực hiện. Trong hình trên, bàn và quân cờ chỉ dành cho người xem mà thôi. Vì lý do này, khả năng hình dung và giữ lại vị trí của các quân cờ trong tâm trí và diễn tiến các nước đi tiếp theo cho đến khi kết thúc trò chơi là điều cơ bản của cờ mù. Một người chơi chỉ có khả năng logic không thể thi đấu ở thể thức này và cũng tương tự như vậy ở thể thức cờ thông thường; bởi vì, dù có hoặc không có bàn cờ, cả cờ thường và cờ mù đều sử dụng các nguyên tắc hình dung và trí tưởng tượng giống nhau để tính toán các nước đi mà không thực sự di chuyển các quân trên bàn cờ.

Tư duy logic có thể đưa ta từ A đến B, nhưng trí tưởng tượng tạo nên những bước nhảy vọt để đạt được kết quả cuối cùng.

Tương tự, trong tiếp thị và quản lý, tôi tin rằng chỉ đơn thuần biết tư duy logic là không đủ để ứng biến với sự phức tạp của nền kinh tế ngày nay. Các nhà tiếp thị và doanh nhân cần sử dụng nhiều khả năng tư duy trừu tượng và thậm chí cả khả năng sáng tạo vào công việc kinh doanh của họ để đối phó với những thay đổi và phát triển không ngừng. Khả năng nhìn thấy trước những thay đổi của thị trường và các động thái của đối thủ cạnh tranh, hình dung chiến lược tương ứng để tận dụng các xu hướng tăng trưởng tiếp theo là tất cả các tiêu chí cho một nhà tiếp thị, nhà quản lý tài ba và nhà lãnh đạo trong tương lai. Tư duy logic có thể đưa ta từ A đến B, nhưng trí tưởng tượng tạo nên những bước nhảy vọt để đạt được kết quả cuối cùng và tôi tin rằng công thức này sẽ phổ biến hơn nhiều cho thành công trong thế kỷ 21.

#3: Trực giác đóng vai trò quan trọng như tính toán

Có một giai thoại rằng một Đại Kiện Tướng cờ vua có khả năng tính toán trước 20 nước đi, vì vậy họ nhìn thấu mọi thứ từ mở cờ cho đến cuối tàn cuộc. Bản thân tôi cũng đã từng tin vào điều hoang đường này khi lần đầu tiên tham gia cộng đồng cờ vua, nhưng bây giờ tôi biết rằng điều đó là không thể. Các Đại Kiện Tướng cũng giống như bất kỳ con người nào khác đều có giới hạn về khả năng tính toán, mà theo tôi biết nhiều nhất họ cũng chỉ tính khoảng 6 nước đi mỗi bên mà thôi, mà việc này thì bất kỳ chuyên gia cờ vua nào được đào tạo bài bản cũng có thể làm được. Tuy nhiên, khả năng khiến họ khác biệt hoàn toàn với số đông chính là trực giác của hàng chục nghìn giờ luyện tập. Sau những ván cờ đã chơi, họ tự làm quen với các thế cờ phái sinh từ những vị trí cờ tiêu chuẩn này và tính toán sàng lọc cho một vài nước đi tiếp theo mà thôi. Trong thực tế, dù là cờ nhanh hay cờ chậm, tất cả người chơi đều dựa vào trực giác để thực hiện nước đi tiếp theo, tuy vẫn có một phần chưa chắc chắn nhưng thường trực giác này vẫn dẫn họ đến với chiến thắng cuối cùng.

Trong một ví dụ khác, Magnus Carlsen đã là nhà vô địch cờ vua thế giới từ năm 2013 và anh thậm chí còn là kỳ thủ số một thế giới trước đó rất lâu nữa. Nhiều người tin rằng anh ấy sẽ là đương kim vô địch trong nhiều năm tới, nhưng thực tế là Magnus Carlsen đã phải chịu thất bại nặng nề ở thể thức Cờ vua 960 trước Wesley. Vì vậy, đây là một ví dụ rõ ràng rằng trong nhiều trường hợp, việc làm quen với các thế cờ mẫu và trực giác được rèn luyện quan trọng hơn nhiều so với tài năng và tính toán đơn thuần vì cả Magnus Carlsen và Wesley So đều là những Siêu Đại Kiện Tướng nhưng rõ ràng sở thích của họ đối với các biến thể cờ vua là khác nhau và bằng chứng là Wesley rèn luyện Chess 960 nhiều hơn Magnus. Đây cũng là lý do vì sao Wesley nắm nhiều khả năng đánh bại Magnus.

Magnus Carlsen (phải) và Wesley So trong trận tranh chức vô địch cờ vua 960

Phân tích này cũng giải thích tại sao trong tiếp thị và quản trị, kinh nghiệm và trực giác là rất quan trọng, đặc biệt là trong những tình huống cấp bách và phức tạp. Một số người có thể cho rằng việc dựa vào cảm giác để đưa ra những quyết định có tác động lớn là phi lý trí, nhưng ví dụ trong cờ vua trên đã chứng minh rằng ngay cả trong một trò chơi thuần tuý về logic như cờ vua, trực giác vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định. Do đó, các nhà tiếp thị và quản lý không thể coi thường tầm quan trọng của kinh nghiệm và trực giác được rèn luyện đối với bất kỳ việc ra quyết định nào của doanh nghiệp, chưa kể trong thực tế một nền kinh tế phức tạp hơn nhiều so với một ván cờ. Tuy thế, sẽ không có gì tồi tệ hơn là viện dẫn lý do này để ra một quyết định dựa trên trực giác mà hoàn toàn thiếu vắng những kinh nghiệm liên quan thực tế.

#4: Sự tiến hoá của tốc độ

Trong suốt lịch sử phát triển của cờ vua, bộ môn này ngày càng rút ngắn thời gian cho mỗi một ván đấu. Trước khi có đồng hồ thi đấu, một ván cờ có thể kéo dài hàng giờ, thậm chí vài ngày. Sau đó, FIDE ra đời và việc phân chia trò chơi này thành ba dạng cơ bản là cờ tiêu chuẩn, cờ nhanh và cờ chớp đã làm cho bộ môn trở nên phù hợp hơn với tất cả mọi người, thay vì chỉ dành cho những người chơi chuyên nghiệp. Gần đây nhất, sự bùng nổ của Internet và thời gian cách ly dài ngày đã khuyến khích nhiều người chơi mới trải nghiệm bộ môn này qua hình thức trực tuyến, điều này lại cho ra đời hình thức cờ vua mới với tên gọi cờ siêu chớp, thời lượng lại được rút ngắn hơn nữa với thời gian cho một ván cơ đôi khi chỉ vỏn vẹn dưới một phút.

Đồng hồ thi đấu

Suy luận của tôi về vấn đề này là không chỉ trong cờ vua mà cả trong kinh doanh ngày nay yếu tố tốc độ ngày càng được xem trọng với thời gian cũng ngàn càng được rút ngắn. Tốc độ là một dạng của lợi thế mới, mặc dù luôn có sự đánh đổi giữa tốc độ và độ chính xác. Tuy nhiên, khả năng di chuyển nhanh mà không phải hy sinh quá nhiều độ chính xác sẽ tạo ra lợi thế cho bất kỳ đối thủ nào. Trong cờ vua, cả Magnus Carlen và Ian Nepomniachtchi đều là những ví dụ điển hình về các chuyên gia cờ chớp khi cả hai đều đang đứng trong top 5 xếp hạng thế giới hiện nay. Trong kinh doanh, cuộc đua không gian hiện tại của Virgin Galactic chống lại Blue Origin cũng đã chứng minh tầm quan trọng của việc trở thành người đứng đầu hơn chỉ là người theo sau. Khi sự thay đổi của thời đại thông tin đã định hình bộ môn cờ vua và phương thức quản lý như ngày nay, tư duy tốc độ sẽ là tư duy phù hợp để cạnh tranh khi chúng ta chứng kiến ​​nhiều công ty khởi nghiệp tinh gọn được thành lập trong khi các tập đoàn lớn đang thua cuộc trong cuộc đua mới và kiệt quệ vì sức ì hệ thống.

Tư duy mà chúng ta nên cân nhắc theo đuổi hiện tại không phải là tư duy về chiều sâu mà là tư duy về tốc độ.

Theo thời gian bất kỳ sự vật sự việc nào cũng sẽ phát triển và chuyển giao sang một hình thức mới, và có vẻ như hình thái tiếp theo lúc nào cũng nhanh hơn hình thái trước. Tư duy mà chúng ta nên cân nhắc theo đuổi hiện tại không phải là tư duy về chiều sâu mà là tư duy về tốc độ. Thực tế này có thể áp dụng trong cờ vua, tiếp thị, quản trị và thậm chí rộng hơn cho cả nền kinh tế.

#5: Trò chơi của những xác xuất

Trong cờ vua, có một khái niệm được gọi là “ván cờ hoàn hảo” – tức một vấn đầu mà ở đó người chơi đạt được độ chính xác gần 100%. Mọi người chơi đều đã từng trải qua sự kiện này là chuyên nghiệp hay nghiệp dư bởi vì đôi khi người chơi nghiệp dư cũng có thể thực hiện được một ván đấu đỉnh cao trong đời, và ngược lại, một người chơi chuyên nghiệp đôi khi cũng có thể có những ván đấu rất tệ. Theo đó, luôn có xác suất một người nghiệp dư có thể đánh bại một người chuyên nghiệp, bất kể chênh lệch về trình độ, với điều kiện là họ có thể thi đấu với nhau đủ số lượng ván đấu.

Trong tiếp thị và quản lý, xác suất đóng góp đáng kể vào thành công hơn những gì chúng ta nghĩ về nó. Hầu hết mọi người thường bị ảo tưởng bởi sự thành công và sức hút của các nhân vật thành đạt và họ có xu hướng lắng nghe lời khuyên của những người thành công này cho từng công thức thành công của riêng họ. Sự thật là những người thành công này có thể cũng chả biết gì về lý do làm nên thành công của họ như cách chúng ta, những người ngoài đang nhìn nhận. Tương tự giả thuyết nêu trên từ trò chơi cờ vua, chúng ta biết rằng nếu sắp xếp 1.000 người chơi trung bình đấu với một bậc thầy cờ vua trong một cuộc đấu triển lãm đồng thời, sẽ có một số trong số 1.000 người chơi nghiệp dư đó chiến thắng đơn giản chỉ là nhờ vào quy luật xác suất nêu trên.

Magnus Carlsen trình diễn khả năng đánh cờ trong một sự kiện

Liệu những người thắng đó có nghĩ họ giỏi hơn vì đã đánh bại kiện tướng? Hiển nhiên là không. Theo tính chất bắc cầu, những người thắng này cũng nghĩ họ giỏi hơn những người chơi nghiệp dư khác đã thua cuộc? Tất nhiên vẫn là không. Vì phần lớn người chơi cờ đều hiểu được quy luật xác suất của bộ môn này.

Hãy tưởng tượng sự kiện trên được áp dụng trong kinh doanh khi 1.000 doanh nhân có năng lực cùng nhau đăng ký để tham gia một thị trường và tiêu chí để thành công sẽ là đạt được một doanh thu nhất định sau một khoảng thời gian, tôi chắc chắn rằng một số doanh nhân trong số đó sẽ “đánh bại thị trường” và thành công sau thử nghiệm này. Điều này một lần nữa cần được khẳng định, đây chỉ là xác suất. Tình huống là như nhau, nhưng chỉ có câu trả lời trong tình huống này có thể sẽ khác nhau.

Chúng ta có coi những doanh nhân thành công này tốt hơn những doanh nhân thất bại không? Chắc chắn là có. Đó là lý do tại sao những người bình thường trả tiền để lắng nghe lời khuyên và bí quyết thành công của họ.

Những doanh nhân thành công này có tự cho mình là người có năng lực hơn những doanh nhân thua cuộc và những người bình thường không? Chắc chắn là có. Đó là lý do tại sao họ đến hội thảo và chia sẻ lời khuyên cũng như mẹo và thủ thuật của họ để thành công.

Trong tiếp thị và quản lý, xác suất đóng góp đáng kể vào thành công hơn những gì chúng ta nghĩ về nó.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chúng ta – những người bình thường bao gồm cả bạn và tôi – có nên lắng nghe họ và làm theo “thành tích đã được chứng minh” của họ không? Tôi sẽ để câu hỏi này cho độc giả xem xét theo cách nhìn nhận riêng của mỗi người.

Tóm lại, luận điểm tôi kết luận từ khía cạnh nhạy cảm này không phải là để hạ thấp năng lực của bất kỳ doanh nhân thành đạt nào, mà chỉ là đưa ra lời khuyến khích người đọc biết cách đặt vấn đề và nhìn nhận đúng hơn về năng lực để thành công và sự khác nhau của từng cá nhân và đặt ra những câu hỏi kiểm chứng kỹ lưỡng khi nhận lời khuyên từ người khác. Malcom Gladwell, tác giả cuốn sách ‘The Outliner’ và Daniel Kahnman, tác giả cuốn sách ‘Thinking Fast and Slow’, đều đưa ra nhiều bằng chứng rằng những người thành công dựa nhiều hơn vào may mắn để đạt được thành công hơn là họ nghĩ, tương đồng với luận điểm ở trên mà tôi đã trình bày.

#6: Tự động hoá là tương lai

Kể từ tháng 5/1997, trí tuệ nhân tạo đã vượt qua trí thông minh của con người trong tính toán bằng việc đánh bại nhà vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov bằng siêu máy tính Deep Blue của IBM. Sự kiện này đã khiến mọi người chú ý đến một thế lực siêu máy tính mới trong lĩnh vực trò chơi chiến thuật. Chín năm sau, vào tháng 3/2016, một nhà vô địch thế giới khác là Lee Sedol đã thua siêu máy tính AlphaGo trong trò chơi cờ vây, đánh dấu chấm hết cho sự thống trị của con người trong bất kỳ loại trò chơi chiến lược nào. Kể từ thời điểm đó, sức mạnh tính toán của siêu máy tính lại tiếp tục được tăng lên bội phần, không để lại bất kỳ khoảng trống cho sự cạnh tranh của con người nào trong lĩnh vực công việc này. Tuy nhiên, bằng cách tận dụng sức mạnh tính toán siêu cường này của máy móc, các thế hệ kỳ thủ cờ vua mạnh hơn đã ra đời khi vì họ đã học cách kết hợp sức mạnh tính toán của máy móc với khả năng tư duy trừu tượng và khả năng sáng tạo của loài người để tự nâng cao trình độ của mình. Máy móc – hay máy móc thông minh – xét cho cùng cũng chỉ là một dạng tạo hoá được tạo ra bởi con người, vì vậy con người chúng ta không cần phải sợ chúng, mà đúng hơn chúng ta nên học cách làm việc với chúng để cùng nhau phá vỡ những ranh giới tiếp theo của trí tuệ nhân loại.

Garry Kasparov đối đầu Deep Blue năm 1997

Trong thế giới cờ vua, hiện tượng này đã chứng minh rằng con người hoàn toàn có khả năng nâng cấp về mặt trình độ bằng cách kết hợp sức mạnh của máy móc vào các khía cạnh của cuộc sống. Trong thế giới kinh doanh, tôi tin rằng nguyên tắc tương tự cũng nên được áp dụng để giải phóng nguồn nhân lực đang được sử dụng cho những công việc có tính chất lặp đi lặp lại. Những nguồn tài nguyên này có thể được sử dụng tốt hơn cho những loại công việc khác như sự sáng tạo, hoặc bất kỳ loại công việc tư duy trừu tượng nào. Thật vậy, toàn bộ ý tưởng về việc kết hợp máy móc tự động hoặc máy thông minh vào dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp là để nâng cao năng suất và chuyển con người sang các lĩnh vực công việc khác mà chúng ta có thể làm tốt nhất. Trên thực tế, điều này giải thích tại sao trong thập kỷ tới, nhiều loại công việc sẽ biến mất và nhiều loại công việc khác sẽ được tạo ra trong đó yếu tố sáng tạo sẽ đóng vai trò trọng tâm hơn là bất kỳ loại kỹ năng nào như logic hoặc năng suất.

Tôi tin rằng xu hướng tự động hoá bằng máy móc là không điều thể tránh khỏi, và những người cố chấp không tuân thủ điều này chắc chắn sẽ bị đào thải. Giống như trong cờ vua, những người làm kinh doanh phải học cách áp dụng công nghệ vào quá trình hoạt động trong cuộc sống của họ và sẵn sàng loại bỏ các kỹ năng cũ, chọn lọc những điều phải học mới và loại bỏ những công việc thừa thải để có thể bắt kịp những lĩnh vực chuyên môn mới trong thời cuộc lao động của thế kỷ tới.

Trước khi kết thúc bài viết tôi muốn chia sẻ một niềm tin cá nhân là tôi – một nhà học thuật và chuyên gia về tiếp thị, người luôn mong muốn tìm kiếm các bản chất dài hạn trong tự nhiên, so sánh chúng, suy ngẫm về chúng và cuối cùng là áp dụng chúng một cách thành công vào công việc của mình. Nó bắt nguồn từ niềm tin mạnh mẽ của tôi rằng nếu mọi người khao khát xây dựng một doanh nghiệp thành công trường tồn, họ không nên xây dựng nó theo bất kỳ xu hướng nào mà phải dựa trên các nguyên tắc vững chãi đã được chứng minh và tồn tại lâu dài trước đó.

Nghệ Thuật Chiến Tranh Và Nghệ Thuật Quản Lý

0

Đây hoàn toàn là bài viết phản ánh dựa trên hai cuốn sách mà tôi đã đọc gần đây. Cá nhân tôi có hai điều tuyệt vời cho cuộc sống; thứ nhất là về cách mọi người suy nghĩ và hành xử, thứ hai là về cách họ lên kế hoạch cho tương lai mà theo tôi chủ yếu là về chiến lược. Chiến lược theo ý kiến riêng của tôi chỉ đơn giản là nghệ thuật sắp xếp các yếu tố riêng biệt để đạt được mục tiêu. Do đó, các chiến lược bất kể hình thức của chúng để phục vụ chiến tranh, quản lý hay cuộc sống cá nhân đơn giản đều có những nguyên tắc không thể thay đổi mà tôi rút ra từ cuốn “The Art of War” (Nghệ thuật chiến tranh) – một chuyên luận 2500 năm của một tướng quân và chiến lược gia người Trung Quốc Tôn Tử và cuốn sách “Why Nations Fail” (Tại sao các Quốc gia thất bại) được viết bởi hai giáo sư Daron Acemoglu và James A. Robinson.

Trong cuốn “The Art of War”, Tôn Tử nêu 5 nguyên tắc của một cuộc chiến vĩ đại là (1) Đạo đức, (2) Bầu trời, (3) Trái đất, (4) Khái quát và (5) Luật lệ làm nền tảng cho 13 chương của quyển sách. Mặc dù được viết cách đây 2500 năm, giá trị của những nguyên tắc này vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí còn được áp dụng rất nhiều vào quản lý kinh doanh của các công ty Nhật Bản bằng cuộc chinh phục đầu tiên của họ trên thị trường Trung Quốc sau Thế chiến II.

Nhìn từ một góc độ khác trong cuốn “Why Nations Fail”, Acemoglu và Robinson nhấn mạnh tầm quan trọng của một thể chế tốt là nhân tố chính cho sự giàu có của quốc gia. Giải thích thêm về phát hiện này bởi 600 trang của cuốn sách là làm thế nào để thực hiện một tổ chức tốt. So sánh các lý thuyết của hai quan điểm trên, tôi đề xuất những nguyên tắc cơ bản của hai nghệ thuật chiến tranh và quản trị:

  1. Cấu trúc mệnh lệnh: rõ ràng và minh bạch, cấu trúc quản lý phải đơn giản và tập trung. Phân cấp và tự quản lý của mỗi đơn vị là chìa khóa của cấu trúc hiệu quả. Trong nhiều trường hợp, nên tránh quản lý phức tạp và chồng chéo. Một ví dụ kinh điển là thất bại của Hitler đối với quân Đồng minh bởi nỗi ám ảnh của Hitler về việc tập trung quyền lực của chính mình
  2. Chính sách khen thưởng & trừng phạt: nên tương đương nhau về giá trị một người kiếm được cho tổ chức so với giá trị mà anh ta bỏ ra. Duy trì sự cân bằng giữa các chính sách khen thưởng và trừng phạt cũng là một nghệ thuật cân bằng giữa tài chính và lực lượng lao động. Quá nhiều sự khen thưởng thì tổ chức hết kho báu; và ngược lại, tổ chức hết người tài và rồi thua cuộc chiến.
  3. Quá trình: nên nhanh, về bản chất. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã áp dụng “cơ chế một cửa” của Tôn Tử là nhanh và linh hoạt như là cơ bản cho mọi cuộc chiến. Ví dụ: nếu một yêu cầu tương tự mất 5 ngày để được xử lý trong công ty hơn 1000 người, và việc đó cũng mất cùng thời gian trong một công ty hơn 40 người , thì công ty to lớn kia đang có một vấn đề rất lớn cần khắc phục trong quy trình.

Cuối cùng, một thứ có thể được coi là nguyên tắc chung thứ tư hoặc theo tôi là mục tiêu của tất cả các cuộc chiến tranh và quản trị là phúc lợi nhân dân, được tất cả các tác giả đồng ý. Chiến tranh không phải là về sự tàn phá mà là phương pháp cuối cùng để giải quyết những xung đột khác nhau. Quản trị về bản chất không phải là khai thác mà là tạo ra và phân phối phúc lợi công bằng giữa mọi người thuộc mọi tầng lớp.

Áp dụng vào bối cảnh kinh doanh, những câu hỏi mà tôi sẽ đặt ra là “tôi có phải là người làm việc cho công ty có tất cả ba nguyên tắc chung đó không?” Nếu không, “Tôi sẽ vui lòng ở lại để sửa chữa chúng hay chỉ đơn giản là ra đi?”. Cá nhân tôi tin rằng lựa chọn cuối cùng là nằm trong ý chí của mỗi người. Trước 30, tôi sẵn sàng ở lại và sửa chữa mọi thứ. Sau 30, tôi nghĩ có thể dễ dàng rời đi sau lần thử thứ tư. Do đó, nó hoàn toàn là vấn đề cá nhân, phải không?

Nguyễn Hải Minh – The Minimal Marketer

Mai Linh Media – Brand Identity Project

0

Bối cảnh

Trực thuộc tập đoàn Mai Linh, Mailinh Media là công ty được thành lập với mục tiêu ngắn hạn là khai thác phân mảng quảng cáo trên hệ thống taxi sở hữu và xa hơn nữa là mở rộng dịch vụ ra toàn bộ nền tảng trực tuyến để mang đến những giải pháp nhất quán, đa kênh. Bởi vậy, nhu cầu cấp thiết của MaiLinh Media là xây dựng hệ thống nhận diện vừa kế thừa tính cách từ Mai Linh vừa mang tính hiện đại, sáng tạo của agency. 

Giải pháp

Xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh, định vị, tính cách, câu chuyện và bộ nhận diện thương hiệu phù hợp với định hướng từ Mai Linh.

Phạm vi

Brand anatomy, positioning, theory, tagline. Brand identity (Design trends, direction for brand).

Kết quả

Hoàn thiện hệ thống nhận diện thương hiệu cùng và bộ brochure giới thiệu MaiLinh Media phục vụ đợt cao điểm quảng cáo cuối năm.