Home Cá nhân Chuyển dịch giá trị (Phần 2): Tâm thức và Năng lượng

Chuyển dịch giá trị (Phần 2): Tâm thức và Năng lượng

0
Chuyển dịch giá trị (Phần 2): Tâm thức và Năng lượng

Ta là ai, trong cả cõi đời này?
Trong thương đau, tìm quên nơi huyên náo
Tìm thành công, nơi dòng đời sóng bão
Quên mất rồi, tâm thức ở trong ta.

Tôi đã viết nhiều ở phần trước về những thay đổi trong góc nhìn nhân sinh quan và trải nghiệm cuộc sống của mình từ đầu năm đến giờ. Quả thực, đến tận bây giờ tôi thấy mình vẫn còn trôi bồng bềnh trong những trải nghiệm mơ hồ của tâm linh và tâm thức. Những đức tin và tôn giáo mới, tất cả đều như những suối nguồn đưa tôi về nơi của sự sống, của tình thương và tâm từ. Trên hành trình ấy thật nhiều nhân duyên với những con người tôi không sao cảm tạ hết, vì những điều họ chỉ cho tôi không phải là những kiến thức tôi đã được học ở trường. Cũng không phải những thứ tôi học từ đời, mà họ khai mở để tôi học được những thứ từ chính tâm tôi. Để rồi từ đó, tôi mở rộng ra. Nhìn mình khác đi, nhìn đời khác đi, và nhìn công việc – sự nghiệp – phụng sự với một con mắt mới.

Hẳn mọi người vẫn chưa quên ở phần trước tôi đã nói về nhận thức con người là những bản thể đơn lập, tổ chức là những bản thể đa lập, và quá trình chuyển dịch giá trị bền vững cần được kích hoạt bởi những nỗi đau sâu thẳm từ bên trong từng bản thể. Trong phần hậu truyện tiếp theo này, tôi xin được đưa ra những kiến giải cá nhân về khởi nguồn và con đường của những tư tưởng này, và như thường lệ khuyến khích mọi người luôn tiếp nhận thông tin với góc nhìn hoài nghi cho những kiến giải.

Đầu tiên, tôi tìm thấy điểm tương đồng này trong những đức tin phổ biến nhất. Ví như một số thực hành trong Thiên Chúa giáo luôn răn dạy thánh đồ từ bỏ chính mình, tiếp nhận Chúa vì Ngài là mọi sự, để ngài sống ở bề trong và làm cho mọi thứ được nên. Đạo Phật thì khuyến khích mọi người tu tập để từ bỏ cái tôi, từ bỏ bản ngã và nhập vào niết bàn để có được an vui vĩnh hằng. Sau một thời gian thực hành cầu nguyện và thiền, tôi có một niềm tin tuyệt đối vào những điều này. Vì khi con người thực sự hoà làm một với Đấng tối cao, Ngài thực là mọi sự và là sự đủ đầy dư dật.

Đạo Phật bên cạnh đó cũng có những kiến giải rất sâu sắc về 07 tầng cõi giới tồn tại cùng nhau, tách biệt nhưng không tách rời. Ở đó, mỗi cõi giới là một dạng hạt mang tính sóng có kích thước và tần số rung động khác nhau, mà chúng ta những con người bản thể sống ở tầng cõi giới thấp nhất – cõi giới vật chất – chỉ có thể cảm nhận được một cách thô thiển bằng ngũ giác quan phàm tục của mình.

Thứ hai, trong những kiến giải của ngôn ngữ tâm thức hay nội tâm thì thế giới bên ngoài chỉ là những phản chiếu – vật chất hoá – của thế giới nội tâm bên trong chúng ta. Những thay đổi hời hợt ở mặt hành động chỉ là những nỗ lực đi vòng vòng quanh cái giải pháp chứ không giải quyết vấn đề một cách triệt để. Điều đầu tiên con người cần phải làm thay đổi trạng thái rung động điện từ về năng lượng dương, với tần số rung động cao, đặt ý cho điều mình mong muốn rồi sau đó mọi sự mới được tiến hành theo cách nó vốn là.

Thứ ba, tôi tìm được mắt xích cuối cùng trong khoa học. Isaac Newton là nhà khoa học vật lý cổ điển vĩ đại và ông cũng là một người tin Chúa. Những nỗ lực của ông cho khoa học không phải để phủ nhận mà là chứng minh sự tồn tại của Đấng sáng tạo. Ông cũng là người đặt nền móng cho Thuyết Tuyệt Đối trong khoa học. Theo sau đó 400 năm, Albert Einstein, một người con Do Thái, một nhà vật lý đương đại vĩ đại nữa lại chứng minh được sự chuyển đổi giữa vật chất và năng lượng qua công thức kinh điển E=mc2. Albert Einstein đồng thời cũng là người đặt nền móng của Thuyết Tương Đối trong vật lý hiện đại.

Vì thế, ta có thể thấy ở đây những kiến giải về vũ trụ qua năng lượng, sự tồn tại của Đấng sáng tạo trong tôn giáo và khoa học rất là tương đồng. Tuyệt đối và tương đối là hai mặt của vấn đề và tôn giáo đã nói về những điều này trước khoa học cả ngàn năm.

Werner Heisenberg, cha đẻ của vật lý lượng tử, cũng có một câu nói rất nổi tiếng: “Ngụm đầu tiên của ly bia khoa học sẽ biến chúng ta thành một con người vô thần, nhưng hãy cứ uống đến hết ly đi, vì Chúa đang đợi anh ở dưới đáy cốc”.

Thứ tư, tôi tìm thấy kiến giải này trong xã hội. Phần này tôi xin nói ngắn gọn vì hẳn chúng ta đã không còn lạ gì nữa về những niềm tin đem lại kết quả diệu kỳ như Luật Hấp Dẫn (Law of Attraction) hay hiệu ứng giả dược (Placebo) trong y khoa. Mọi người có thể tìm kiếm thêm thông tin trên Google về nội dung vì chúng khá phổ biến.

Vậy thì điều tôi đang muốn chứng minh ở đây là gì? Tôi hi vọng là đọc đến đây thì bạn dù là một người vô thần hay hữu thần thì những nội dung này cũng để lại cho bạn một vài suy tư và động lực để đi tìm câu trả lời cho riêng mình. Hãy tạm giả định những điều này có phần đúng, và chúng ta hãy cùng nhau quay trở lại với vấn đề của năng lượng, của tâm thức và tính ứng dụng trong quản trị doanh nghiệp.

Vậy trong quản trị tập thể, hay nói chính xác hơn là dẫn dắt những bản thể tâm thức đa lập này, thì người doanh chủ nên bắt đầu từ đâu? Câu trả lời của tôi là hãy bắt đầu bằng việc quản trị năng lượng.

Năng lượng là cái cốt lõi và tâm thức là cái vỏ bao. Một trạng thái rung động điện từ dương và tần số rung động cao là khởi nguồn của mọi điều như ý, và những hoạt động chỉ là sản phẩm của tâm trí. Năng lượng đúng, tâm thức đúng, ý niệm đúng, hành động đúng, rồi mới dẫn tới được thay đổi hiện thực. Còn kiến giải cụ thể cho quy trình này thì tương đối dài dòng mà tôi không thể tiếp tục dẫn dắt tiếp trong nội dung một bài viết. Nếu thuận duyên, tôi xin hẹn vào một bài sau

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here