Tháng 6/2018 là thời điểm tôi hoàn thiện bài viết đầu tiên với chủ đề “Khi cờ vua tương đồng với tiếp thị về các nguyên tắc của chiến lược” để chia sẻ những suy nghĩ và chiêm nghiệm ban đầu của bản thân về hai bộ môn có nhiều điểm tương đồng này. Xét cho cùng thì những điểm tương đồng này cũng dễ hiểu vì cờ vua cũng chỉ là một phiên bản giản lược của chiến tranh, còn tiếp thị hay quản trị chẳng phải cũng là những hình thái hiện đại của chiến tranh thôi sao.
Ba năm sau, khi những suy nghĩ và kỹ năng chơi cờ vua của tôi đã phát triển lên một trình độ mới, tôi cũng phát hiện ra những khía cạnh mới trong việc so sánh các nội dung trên, điều này đã truyền cảm hứng cho tôi viết phần tiếp theo của loạt bài này. Trong bài viết lần này, tôi có một quan điểm trừu tượng hơn để phân tích chủ đề, tuy nhiên từ đó tôi cũng hy vọng sẽ tạo ra những hiểu biết sâu sắc và có tính ứng dụng cao hơn.
Vì vậy, xin hỏi lại các bạn hai câu hỏi quen thuộc. Bạn có chơi cờ vua không? Bạn có làm việc trong lĩnh vực tiếp thị không? Đây là hai câu hỏi cơ bản mà tôi đặc biệt khuyên mọi người nên tự hỏi mình trước khi đi vào nội dung của bài viết dưới đây. Nếu bạn đã sẵn sàng, nào chúng ta cùng khám phá những điều mới mẻ mà tôi đã tìm thấy trong cờ vua nhé.
#1: Quan niệm sai lầm về chiến lược
Như tôi đã đề cập đến vấn đề này trong bài viết trước. Có một quan niệm sai lầm khá phổ biến khi nhiều người nghĩ rằng cờ vua là một bộ môn của chiến lược nhưng thực tế nó không hẳn như vậy. Điều này một phần được cổ xuý bởi hình ảnh cờ vua được sử dụng rất nhiều trong các hình ảnh truyền thông trong kinh doanh và tiếp thị, và người xem thường là nạn nhân của những ngộ nhận này.
Trong suốt lịch sử phát triển của bộ môn vua và các biến thể của bộ môn này, chiến lược luôn là một phần của trò chơi nhưng tất nhiên hoàn toàn không phải là cốt lõi, hoặc ít nhất chiến lược không phải là trọng tâm trong phiên bản cờ vua quốc tế như chúng ta vẫn biết. Cờ vua thực tế được cộng đồng các chuyên gia cờ vua nhận xét là một phiên bản nặng về tính chiến thuật (tactics) hơn là chiến lược (strategy), mặc dù để chơi cờ đạt đến trình độ xuất sắc người chơi phải nắm vững khía cạnh chiến lược của trò chơi. Một lý do có thể được đưa ra để ủng hộ quan điểm này là sự thiếu vắng của tư duy dài hạn trong trò chơi. Chúng ta có thể thấy kết quả của một trận đấu cờ vua thường được quyết định bởi tính toán ngắn hạn và độ chính xác của các bước đi. Không có nhiều yếu tố chiến lược vì thời lượng ngắn và tổng số lượng bước đi của mỗi bên chỉ có vỏn vẹn khoảng 40 nước mà thôi. Vì vậy, nếu một người thiên về chiến lược thì trò chơi cờ vây của Trung Quốc có vẻ sẽ phù hợp hơn vì thời lượng một ván kéo dài hơn nhiều, và ngay cả khi trò chơi kết thúc kết quả vẫn chưa thể định đoạt. Chỉ khi nào hai người chơi dừng hẳn thì kết quả mới được tính toán ngược lại dựa trên số ô chiếm được trên bàn cờ.
Tóm lại, có rất nhiều biến thể của các trò chơi chiến lược như cờ vua, cờ tướng Trung Quốc hay cờ vây, và mỗi biến thể của cờ vua phản chiếu nhiều khía cạnh khác nhau của quá trình tư duy. Theo tôi, cờ vua thiên về chiến thuật, cờ tướng Trung Quốc thiên về tấn công và chỉ có cờ vây là một trò chơi chiến lược thực sự rất giống với mô hình chiến tranh mà nó giả lập, nơi mà khái niệm chiến lược lần đầu tiên được khai sinh.
Tương tự, tôi nghĩ đang có rất nhiều doanh nhân mắc sai lầm trong việc áp dụng chiến lược vào tiếp thị và quản trị doanh nghiệp. Tất nhiên, tất cả những quyết định, phương cách thực thi, suy nghĩ đều đóng góp vào sự thành công của chiến lược, nhưng không phải yếu tố nào cũng có thể gọi là chiến lược. Trong hầu hết các trường hợp, doanh nghiệp nhầm lẫn giữa chiến lược và việc thực thi công việc hay mục tiêu doanh nghiệp, và sự hiểu lầm này có thể xem như một dạng của khiếm khuyết gây tổn hại cho toàn bộ tiến trình kinh doanh sau này, kết quả cuối cùng là dẫn tới phá sản doanh nghiệp. Tôi đã gặp và có dịp nói trò chuyện với nhiều cấp CEO và CMO trong các công ty có quy mô và kích cỡ khác nhau, và vài người trong số họ thực sự không có tư duy gì về chiến lược cả, điều mà tôi mong đợi là phải có từ những người đang nắm giữ vị trí cấp cao như vậy trong doanh nghiệp. Không may thay, thực tế này hoàn toàn không hiếm gặp tại Việt Nam, khi nền kinh tế của chúng ta đang phát triển rất thịnh vượng với nhiều cơ hội, điều này đã khuyến khích một thế hệ doanh nhân có nguồn lực và mạng lưới quan hệ rộng rãi sớm đạt được thành công, nhưng họ chỉ có thể suy nghĩ ngắn hạn về “những việc phải làm bây giờ” chứ không nghĩ xa được về “những việc tiếp theo quan trọng để phát triển”. Đôi khi, họ thậm chí có thể đặt để thành công của mình trên một tư duy chiến lược bài bản trong khi đó có thể chỉ là kết quả của xác suất, sự may rủi, hay cơ bản là sự giàu có và quá dư thừa về mặt nguồn lực. Giống như ngạn ngữ Anh vẫn có câu, “thuỷ triều dâng sẽ nâng tất cả các thuyền”.
Tóm lại, tôi nghĩ rằng quan niệm sai lầm về chiến lược đang rất phổ biến trong thế giới cờ vua và quản lý doanh nghiệp ngày nay. Tuy nhiên, sự hiểu biết thực sự về bản chất và định nghĩa của nó là cần thiết, và tôi tin rằng sự hiện diện của chiến lược trong bối cảnh tiếp thị và quản lý mới, đặc biệt là trong nền kinh tế đang phát triển vũ bão như Việt Nam, là yếu tố quan trọng để duy trì sự tăng trưởng lành mạnh, tính cạnh tranh của các công ty nội địa hiện nay trong tương lai khi nền kinh tế Việt Nam thực sự hội nhập với nền kinh tế thế giới.
#2: Khả năng tư duy hình tượng cũng đóng một vai trò quan trọng
Một quan niệm sai lầm khác về cờ vua cũng rất đáng chú ý đó là “chơi cờ vua là cần tư duy logic; như vậy những người có chỉ số IQ cao sẽ chiếm ưu thế trong bộ môn này”. Công bằng mà nói, khả năng tính toán logic là điều bắt buộc để giỏi cờ vua, nhưng nó không phải là duy nhất. Trong nghiên cứu gần đây, tác giả Howard Gardner đã chứng minh rằng con người có tới 9 loại trí thông minh mà tôi tin rằng không chỉ trí thông minh logic mà cả trí thông minh hình tượng cũng góp phần không nhỏ tạo nên thành công trong cờ vua và quản trị.
Để nói rõ hơn, chúng ta hãy lấy bộ môn cờ mù làm ví dụ.
Không giống như cờ vua thông thường, người chơi cờ mù không cần quân cờ hoặc bàn cờ, cả hai người chơi sẽ thi đấu trong tâm trí của họ bằng cách sử dụng một phương thức giao tiếp theo ký hiệu để theo dõi nước đi mà cả hai đã thực hiện. Trong hình trên, bàn và quân cờ chỉ dành cho người xem mà thôi. Vì lý do này, khả năng hình dung và giữ lại vị trí của các quân cờ trong tâm trí và diễn tiến các nước đi tiếp theo cho đến khi kết thúc trò chơi là điều cơ bản của cờ mù. Một người chơi chỉ có khả năng logic không thể thi đấu ở thể thức này và cũng tương tự như vậy ở thể thức cờ thông thường; bởi vì, dù có hoặc không có bàn cờ, cả cờ thường và cờ mù đều sử dụng các nguyên tắc hình dung và trí tưởng tượng giống nhau để tính toán các nước đi mà không thực sự di chuyển các quân trên bàn cờ.
Tư duy logic có thể đưa ta từ A đến B, nhưng trí tưởng tượng tạo nên những bước nhảy vọt để đạt được kết quả cuối cùng.
Tương tự, trong tiếp thị và quản lý, tôi tin rằng chỉ đơn thuần biết tư duy logic là không đủ để ứng biến với sự phức tạp của nền kinh tế ngày nay. Các nhà tiếp thị và doanh nhân cần sử dụng nhiều khả năng tư duy trừu tượng và thậm chí cả khả năng sáng tạo vào công việc kinh doanh của họ để đối phó với những thay đổi và phát triển không ngừng. Khả năng nhìn thấy trước những thay đổi của thị trường và các động thái của đối thủ cạnh tranh, hình dung chiến lược tương ứng để tận dụng các xu hướng tăng trưởng tiếp theo là tất cả các tiêu chí cho một nhà tiếp thị, nhà quản lý tài ba và nhà lãnh đạo trong tương lai. Tư duy logic có thể đưa ta từ A đến B, nhưng trí tưởng tượng tạo nên những bước nhảy vọt để đạt được kết quả cuối cùng và tôi tin rằng công thức này sẽ phổ biến hơn nhiều cho thành công trong thế kỷ 21.
#3: Trực giác đóng vai trò quan trọng như tính toán
Có một giai thoại rằng một Đại Kiện Tướng cờ vua có khả năng tính toán trước 20 nước đi, vì vậy họ nhìn thấu mọi thứ từ mở cờ cho đến cuối tàn cuộc. Bản thân tôi cũng đã từng tin vào điều hoang đường này khi lần đầu tiên tham gia cộng đồng cờ vua, nhưng bây giờ tôi biết rằng điều đó là không thể. Các Đại Kiện Tướng cũng giống như bất kỳ con người nào khác đều có giới hạn về khả năng tính toán, mà theo tôi biết nhiều nhất họ cũng chỉ tính khoảng 6 nước đi mỗi bên mà thôi, mà việc này thì bất kỳ chuyên gia cờ vua nào được đào tạo bài bản cũng có thể làm được. Tuy nhiên, khả năng khiến họ khác biệt hoàn toàn với số đông chính là trực giác của hàng chục nghìn giờ luyện tập. Sau những ván cờ đã chơi, họ tự làm quen với các thế cờ phái sinh từ những vị trí cờ tiêu chuẩn này và tính toán sàng lọc cho một vài nước đi tiếp theo mà thôi. Trong thực tế, dù là cờ nhanh hay cờ chậm, tất cả người chơi đều dựa vào trực giác để thực hiện nước đi tiếp theo, tuy vẫn có một phần chưa chắc chắn nhưng thường trực giác này vẫn dẫn họ đến với chiến thắng cuối cùng.
Trong một ví dụ khác, Magnus Carlsen đã là nhà vô địch cờ vua thế giới từ năm 2013 và anh thậm chí còn là kỳ thủ số một thế giới trước đó rất lâu nữa. Nhiều người tin rằng anh ấy sẽ là đương kim vô địch trong nhiều năm tới, nhưng thực tế là Magnus Carlsen đã phải chịu thất bại nặng nề ở thể thức Cờ vua 960 trước Wesley. Vì vậy, đây là một ví dụ rõ ràng rằng trong nhiều trường hợp, việc làm quen với các thế cờ mẫu và trực giác được rèn luyện quan trọng hơn nhiều so với tài năng và tính toán đơn thuần vì cả Magnus Carlsen và Wesley So đều là những Siêu Đại Kiện Tướng nhưng rõ ràng sở thích của họ đối với các biến thể cờ vua là khác nhau và bằng chứng là Wesley rèn luyện Chess 960 nhiều hơn Magnus. Đây cũng là lý do vì sao Wesley nắm nhiều khả năng đánh bại Magnus.
Phân tích này cũng giải thích tại sao trong tiếp thị và quản trị, kinh nghiệm và trực giác là rất quan trọng, đặc biệt là trong những tình huống cấp bách và phức tạp. Một số người có thể cho rằng việc dựa vào cảm giác để đưa ra những quyết định có tác động lớn là phi lý trí, nhưng ví dụ trong cờ vua trên đã chứng minh rằng ngay cả trong một trò chơi thuần tuý về logic như cờ vua, trực giác vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định. Do đó, các nhà tiếp thị và quản lý không thể coi thường tầm quan trọng của kinh nghiệm và trực giác được rèn luyện đối với bất kỳ việc ra quyết định nào của doanh nghiệp, chưa kể trong thực tế một nền kinh tế phức tạp hơn nhiều so với một ván cờ. Tuy thế, sẽ không có gì tồi tệ hơn là viện dẫn lý do này để ra một quyết định dựa trên trực giác mà hoàn toàn thiếu vắng những kinh nghiệm liên quan thực tế.
#4: Sự tiến hoá của tốc độ
Trong suốt lịch sử phát triển của cờ vua, bộ môn này ngày càng rút ngắn thời gian cho mỗi một ván đấu. Trước khi có đồng hồ thi đấu, một ván cờ có thể kéo dài hàng giờ, thậm chí vài ngày. Sau đó, FIDE ra đời và việc phân chia trò chơi này thành ba dạng cơ bản là cờ tiêu chuẩn, cờ nhanh và cờ chớp đã làm cho bộ môn trở nên phù hợp hơn với tất cả mọi người, thay vì chỉ dành cho những người chơi chuyên nghiệp. Gần đây nhất, sự bùng nổ của Internet và thời gian cách ly dài ngày đã khuyến khích nhiều người chơi mới trải nghiệm bộ môn này qua hình thức trực tuyến, điều này lại cho ra đời hình thức cờ vua mới với tên gọi cờ siêu chớp, thời lượng lại được rút ngắn hơn nữa với thời gian cho một ván cơ đôi khi chỉ vỏn vẹn dưới một phút.
Suy luận của tôi về vấn đề này là không chỉ trong cờ vua mà cả trong kinh doanh ngày nay yếu tố tốc độ ngày càng được xem trọng với thời gian cũng ngàn càng được rút ngắn. Tốc độ là một dạng của lợi thế mới, mặc dù luôn có sự đánh đổi giữa tốc độ và độ chính xác. Tuy nhiên, khả năng di chuyển nhanh mà không phải hy sinh quá nhiều độ chính xác sẽ tạo ra lợi thế cho bất kỳ đối thủ nào. Trong cờ vua, cả Magnus Carlen và Ian Nepomniachtchi đều là những ví dụ điển hình về các chuyên gia cờ chớp khi cả hai đều đang đứng trong top 5 xếp hạng thế giới hiện nay. Trong kinh doanh, cuộc đua không gian hiện tại của Virgin Galactic chống lại Blue Origin cũng đã chứng minh tầm quan trọng của việc trở thành người đứng đầu hơn chỉ là người theo sau. Khi sự thay đổi của thời đại thông tin đã định hình bộ môn cờ vua và phương thức quản lý như ngày nay, tư duy tốc độ sẽ là tư duy phù hợp để cạnh tranh khi chúng ta chứng kiến nhiều công ty khởi nghiệp tinh gọn được thành lập trong khi các tập đoàn lớn đang thua cuộc trong cuộc đua mới và kiệt quệ vì sức ì hệ thống.
Tư duy mà chúng ta nên cân nhắc theo đuổi hiện tại không phải là tư duy về chiều sâu mà là tư duy về tốc độ.
Theo thời gian bất kỳ sự vật sự việc nào cũng sẽ phát triển và chuyển giao sang một hình thức mới, và có vẻ như hình thái tiếp theo lúc nào cũng nhanh hơn hình thái trước. Tư duy mà chúng ta nên cân nhắc theo đuổi hiện tại không phải là tư duy về chiều sâu mà là tư duy về tốc độ. Thực tế này có thể áp dụng trong cờ vua, tiếp thị, quản trị và thậm chí rộng hơn cho cả nền kinh tế.
#5: Trò chơi của những xác xuất
Trong cờ vua, có một khái niệm được gọi là “ván cờ hoàn hảo” – tức một vấn đầu mà ở đó người chơi đạt được độ chính xác gần 100%. Mọi người chơi đều đã từng trải qua sự kiện này là chuyên nghiệp hay nghiệp dư bởi vì đôi khi người chơi nghiệp dư cũng có thể thực hiện được một ván đấu đỉnh cao trong đời, và ngược lại, một người chơi chuyên nghiệp đôi khi cũng có thể có những ván đấu rất tệ. Theo đó, luôn có xác suất một người nghiệp dư có thể đánh bại một người chuyên nghiệp, bất kể chênh lệch về trình độ, với điều kiện là họ có thể thi đấu với nhau đủ số lượng ván đấu.
Trong tiếp thị và quản lý, xác suất đóng góp đáng kể vào thành công hơn những gì chúng ta nghĩ về nó. Hầu hết mọi người thường bị ảo tưởng bởi sự thành công và sức hút của các nhân vật thành đạt và họ có xu hướng lắng nghe lời khuyên của những người thành công này cho từng công thức thành công của riêng họ. Sự thật là những người thành công này có thể cũng chả biết gì về lý do làm nên thành công của họ như cách chúng ta, những người ngoài đang nhìn nhận. Tương tự giả thuyết nêu trên từ trò chơi cờ vua, chúng ta biết rằng nếu sắp xếp 1.000 người chơi trung bình đấu với một bậc thầy cờ vua trong một cuộc đấu triển lãm đồng thời, sẽ có một số trong số 1.000 người chơi nghiệp dư đó chiến thắng đơn giản chỉ là nhờ vào quy luật xác suất nêu trên.
Liệu những người thắng đó có nghĩ họ giỏi hơn vì đã đánh bại kiện tướng? Hiển nhiên là không. Theo tính chất bắc cầu, những người thắng này cũng nghĩ họ giỏi hơn những người chơi nghiệp dư khác đã thua cuộc? Tất nhiên vẫn là không. Vì phần lớn người chơi cờ đều hiểu được quy luật xác suất của bộ môn này.
Hãy tưởng tượng sự kiện trên được áp dụng trong kinh doanh khi 1.000 doanh nhân có năng lực cùng nhau đăng ký để tham gia một thị trường và tiêu chí để thành công sẽ là đạt được một doanh thu nhất định sau một khoảng thời gian, tôi chắc chắn rằng một số doanh nhân trong số đó sẽ “đánh bại thị trường” và thành công sau thử nghiệm này. Điều này một lần nữa cần được khẳng định, đây chỉ là xác suất. Tình huống là như nhau, nhưng chỉ có câu trả lời trong tình huống này có thể sẽ khác nhau.
Chúng ta có coi những doanh nhân thành công này tốt hơn những doanh nhân thất bại không? Chắc chắn là có. Đó là lý do tại sao những người bình thường trả tiền để lắng nghe lời khuyên và bí quyết thành công của họ.
Những doanh nhân thành công này có tự cho mình là người có năng lực hơn những doanh nhân thua cuộc và những người bình thường không? Chắc chắn là có. Đó là lý do tại sao họ đến hội thảo và chia sẻ lời khuyên cũng như mẹo và thủ thuật của họ để thành công.
Trong tiếp thị và quản lý, xác suất đóng góp đáng kể vào thành công hơn những gì chúng ta nghĩ về nó.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chúng ta – những người bình thường bao gồm cả bạn và tôi – có nên lắng nghe họ và làm theo “thành tích đã được chứng minh” của họ không? Tôi sẽ để câu hỏi này cho độc giả xem xét theo cách nhìn nhận riêng của mỗi người.
Tóm lại, luận điểm tôi kết luận từ khía cạnh nhạy cảm này không phải là để hạ thấp năng lực của bất kỳ doanh nhân thành đạt nào, mà chỉ là đưa ra lời khuyến khích người đọc biết cách đặt vấn đề và nhìn nhận đúng hơn về năng lực để thành công và sự khác nhau của từng cá nhân và đặt ra những câu hỏi kiểm chứng kỹ lưỡng khi nhận lời khuyên từ người khác. Malcom Gladwell, tác giả cuốn sách ‘The Outliner’ và Daniel Kahnman, tác giả cuốn sách ‘Thinking Fast and Slow’, đều đưa ra nhiều bằng chứng rằng những người thành công dựa nhiều hơn vào may mắn để đạt được thành công hơn là họ nghĩ, tương đồng với luận điểm ở trên mà tôi đã trình bày.
#6: Tự động hoá là tương lai
Kể từ tháng 5/1997, trí tuệ nhân tạo đã vượt qua trí thông minh của con người trong tính toán bằng việc đánh bại nhà vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov bằng siêu máy tính Deep Blue của IBM. Sự kiện này đã khiến mọi người chú ý đến một thế lực siêu máy tính mới trong lĩnh vực trò chơi chiến thuật. Chín năm sau, vào tháng 3/2016, một nhà vô địch thế giới khác là Lee Sedol đã thua siêu máy tính AlphaGo trong trò chơi cờ vây, đánh dấu chấm hết cho sự thống trị của con người trong bất kỳ loại trò chơi chiến lược nào. Kể từ thời điểm đó, sức mạnh tính toán của siêu máy tính lại tiếp tục được tăng lên bội phần, không để lại bất kỳ khoảng trống cho sự cạnh tranh của con người nào trong lĩnh vực công việc này. Tuy nhiên, bằng cách tận dụng sức mạnh tính toán siêu cường này của máy móc, các thế hệ kỳ thủ cờ vua mạnh hơn đã ra đời khi vì họ đã học cách kết hợp sức mạnh tính toán của máy móc với khả năng tư duy trừu tượng và khả năng sáng tạo của loài người để tự nâng cao trình độ của mình. Máy móc – hay máy móc thông minh – xét cho cùng cũng chỉ là một dạng tạo hoá được tạo ra bởi con người, vì vậy con người chúng ta không cần phải sợ chúng, mà đúng hơn chúng ta nên học cách làm việc với chúng để cùng nhau phá vỡ những ranh giới tiếp theo của trí tuệ nhân loại.
Trong thế giới cờ vua, hiện tượng này đã chứng minh rằng con người hoàn toàn có khả năng nâng cấp về mặt trình độ bằng cách kết hợp sức mạnh của máy móc vào các khía cạnh của cuộc sống. Trong thế giới kinh doanh, tôi tin rằng nguyên tắc tương tự cũng nên được áp dụng để giải phóng nguồn nhân lực đang được sử dụng cho những công việc có tính chất lặp đi lặp lại. Những nguồn tài nguyên này có thể được sử dụng tốt hơn cho những loại công việc khác như sự sáng tạo, hoặc bất kỳ loại công việc tư duy trừu tượng nào. Thật vậy, toàn bộ ý tưởng về việc kết hợp máy móc tự động hoặc máy thông minh vào dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp là để nâng cao năng suất và chuyển con người sang các lĩnh vực công việc khác mà chúng ta có thể làm tốt nhất. Trên thực tế, điều này giải thích tại sao trong thập kỷ tới, nhiều loại công việc sẽ biến mất và nhiều loại công việc khác sẽ được tạo ra trong đó yếu tố sáng tạo sẽ đóng vai trò trọng tâm hơn là bất kỳ loại kỹ năng nào như logic hoặc năng suất.
Tôi tin rằng xu hướng tự động hoá bằng máy móc là không điều thể tránh khỏi, và những người cố chấp không tuân thủ điều này chắc chắn sẽ bị đào thải. Giống như trong cờ vua, những người làm kinh doanh phải học cách áp dụng công nghệ vào quá trình hoạt động trong cuộc sống của họ và sẵn sàng loại bỏ các kỹ năng cũ, chọn lọc những điều phải học mới và loại bỏ những công việc thừa thải để có thể bắt kịp những lĩnh vực chuyên môn mới trong thời cuộc lao động của thế kỷ tới.
Trước khi kết thúc bài viết tôi muốn chia sẻ một niềm tin cá nhân là tôi – một nhà học thuật và chuyên gia về tiếp thị, người luôn mong muốn tìm kiếm các bản chất dài hạn trong tự nhiên, so sánh chúng, suy ngẫm về chúng và cuối cùng là áp dụng chúng một cách thành công vào công việc của mình. Nó bắt nguồn từ niềm tin mạnh mẽ của tôi rằng nếu mọi người khao khát xây dựng một doanh nghiệp thành công trường tồn, họ không nên xây dựng nó theo bất kỳ xu hướng nào mà phải dựa trên các nguyên tắc vững chãi đã được chứng minh và tồn tại lâu dài trước đó.